11:05, 12/05/2013

Tố cáo sai, chịu trách nhiệm ra sao?

Tôi là cán bộ thuộc một cơ quan Nhà nước. Vừa qua, một đồng nghiệp vì động cơ cá nhân đã tố cáo tôi với một số nội dung không đúng sự thật, khiến tôi bị ảnh hưởng rất nhiều từ chuyện cơ quan đến hạnh phúc gia đình.

- Hỏi: Tôi là cán bộ thuộc một cơ quan Nhà nước. Vừa qua, một đồng nghiệp vì động cơ cá nhân đã tố cáo tôi với một số nội dung không đúng sự thật, khiến tôi bị ảnh hưởng rất nhiều từ chuyện cơ quan đến hạnh phúc gia đình. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những nội dung tố cáo ấy là không có cơ sở, tôi không được ai thông báo về điều này; ngoài ra, người tố cáo sai không bị xử lý gì. Xin hỏi, người tố cáo sai sự thật bị xử lý như thế nào?


(Một bạn đọc)


- Trả lời: Căn cứ các quy định của Luật Tố cáo, người bị tố cáo có quyền nhận thông báo kết luận nội dung tố cáo. Như vậy, nếu sự việc đã được làm rõ thì ông có thể yêu cầu cơ quan giải quyết tố cáo cung cấp thông báo đó. Ngoài ra, ông còn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, đồng thời được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra.


Hành vi tố cáo sai sự thật có thể bị xử lý tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm cũng như hậu quả mà nó gây ra. Trong trường hợp hành vi tố cáo sai sự thật chưa cấu thành tội phạm, theo quy định của Luật Tố cáo, người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình và phải bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra. Trong trường hợp, các cơ quan tố tụng xét thấy việc tố cáo sai sự thật có dấu hiệu tội phạm thì hành vi đó có thể bị xử lý bằng pháp luật hình sự với các tội danh cụ thể.


Tùy vào trường hợp cụ thể, ông có thể yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý người tố cáo sai sự thật theo các quy định trên. Tuy nhiên, với một hành vi thì chỉ có thể áp dụng một hình thức xử lý duy nhất.


Luật gia MINH HƯƠNG