09:01, 07/01/2013

Tòa án nào giải quyết việc ly hôn?

Chúng tôi cưới nhau 5 năm, có 1 con chung gần 3 tuổi. Từ khi cưới đến nay, do không có nhà nên chúng tôi vẫn ở chung với cha mẹ tôi ở Nha Trang. Hơn 1 năm nay, chồng tôi thay đổi tính nết, hay gây sự, kiếm chuyện kình cãi không chỉ với tôi mà cả với cha mẹ đẻ của tôi.

- Hỏi: Chúng tôi cưới nhau 5 năm, có 1 con chung gần 3 tuổi. Từ khi cưới đến nay, do không có nhà nên chúng tôi vẫn ở chung với cha mẹ tôi ở Nha Trang. Hơn 1 năm nay, chồng tôi thay đổi tính nết, hay gây sự, kiếm chuyện kình cãi không chỉ với tôi mà cả với cha mẹ đẻ của tôi. Gần đây, anh ấy còn nhiều lần xúc phạm và đánh đập tôi, có lần tôi phải nhập viện. Nay, anh ấy đã bỏ về nhà cha mẹ ở Vạn Ninh và tuyên bố sẽ yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Vạn Ninh xử ly hôn tôi. Tôi thấy không thể tiếp tục chung sống với người chồng như thế, nhưng tôi rất sợ, nếu ra Vạn Ninh để dự Tòa, thế nào cũng bị anh ta chặn đánh. Tôi lo lắng quá, không biết giải quyết thế nào, và liệu tôi có bị mất quyền nuôi con?

Trần Thị Thanh T. (Nha Trang)

- Trả lời: Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và tố tụng dân sự hiện hành, những vấn đề chị đặt ra được giải quyết theo hướng như sau:

Về giải quyết việc ly hôn, khi có yêu cầu của vợ, chồng hoặc cả hai người yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, Tòa án sẽ xem xét thực tế tình trạng của vợ chồng, nếu xét thấy tình trạng vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn.

Về con cái, sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Vợ, chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì Tòa còn phải xem xét nguyện vọng của người con đó. Về nguyên tắc, con dưới 3 tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Về thẩm quyền, Tòa án giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình theo thủ tục sơ thẩm là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân. Như vậy, trong trường hợp của chị, do chồng chị đứng đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn nên Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là Tòa án nhân dân TP. Nha Trang, nơi chị cư trú.

Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG