12:05, 11/05/2013

Giới tính không quyết định lẽ phải

Một chiều giữa tháng 3-2013, tại Tòa án nhân dân TP. Nha Trang, chị N. ngập ngừng bước vào, rồi dừng lại, trở ra, tiếp đó lại quay vào. Mọi người có thể thấy rõ sự lúng túng của chị.

Một chiều giữa tháng 3-2013, tại Tòa án nhân dân TP. Nha Trang, chị N. ngập ngừng bước vào, rồi dừng lại, trở ra, tiếp đó lại quay vào. Mọi người có thể thấy rõ sự lúng túng của chị. Không giống một số phụ nữ tới Tòa xin tư vấn giải quyết ly hôn vì “không hợp nhau”, do chưa tìm hiểu kỹ, kết hôn vội vàng, mà lý do khiến chị N. dùng dằng chưa quyết định nộp đơn là bởi chị còn rất yêu chồng nhưng không sao thắng nổi “cái lý” của chồng và gia đình nhà chồng khi không chịu đi chữa trị vô sinh.


Chị N. và chồng kết hôn năm 2011. Gần 2 năm sau, họ vẫn chưa có con. Là một phụ nữ hiểu biết, chị N. đã chủ động đi khám sức khỏe sinh sản và được biết mình hoàn toàn đủ điều kiện sinh con. Bác sĩ cũng tư vấn chị cần đưa cả chồng đi khám để xác định nguyên nhân. Với điều kiện y tế hiện nay, thêm vào đó hai vợ chồng chị vẫn còn trẻ, cơ hội chữa trị thành công (nếu có triệu chứng vô sinh) là khá cao. Dù biết vậy, chị N. cũng chưa biết phải nói sao với chồng. Chị biết thật khó đưa ra lời đề nghị như vậy trước gia đình anh. Chỉ đến một lần đi khám bệnh, chị mới bí mật đề nghị khám sức khỏe sinh sản của chồng.
Tuy nhiên, tình hình không hề thay đổi khi chị nói chuyện với chồng. Anh nổi nóng và không chịu thừa nhận ngay cả khi chị buộc phải đưa cho anh xem kết quả chẩn đoán. Chị đã tha thiết mong anh hãy vì gia đình chung, vì mong ước có con chính đáng của hai vợ chồng mà hợp tác chữa trị. Thậm chí, chị còn đưa ra hướng giải quyết khác, như: xin con nuôi, hay đi khám lại ở những cơ sở y tế khác nếu anh chưa tin tưởng vào kết quả đó, nhưng anh càng nổi giận. Gia đình anh cũng rất căng thẳng. Họ cho rằng, chuyện không có con là do chị, không thể tại anh! Kết quả chẩn đoán của bác sĩ cũng chẳng có ý nghĩa gì khi họ tin tưởng tuyệt đối vào lý thuyết: Đàn ông không liên quan gì đến chuyện sinh con đẻ cái!


Chị N. cho biết, thực ra không phải chồng chị ấu trĩ tin rằng, sinh con được hay không chỉ là do phụ nữ, vấn đề là lòng tự trọng đàn ông của anh không chịu chấp nhận sự thật. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trở nên căng thẳng. Về nhà, anh chị không nói với nhau tiếng nào. Đã vậy, gia đình nhà chồng thường xuyên “đá thúng đụng nia” với chị. Từng ngày trôi qua, chị cảm thấy cuộc sống nặng nề dần mà không có lối thoát, trong khi chị vẫn luôn khao khát được làm mẹ.


Theo thống kê trên thế giới, hiếm muộn do người chồng chiếm 40 - 50%. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, vẫn còn những người đàn ông chưa vượt qua được mặc cảm bản thân để chủ động đi khám sức khỏe và chữa trị kịp thời, để rồi dẫn đến lục đục, thậm chí là vợ chồng phải ly hôn. Hy vọng với tình yêu của mình, chị N. sẽ tìm ra được giải pháp để hàn gắn gia đình.


TAM THUẬT