12:04, 27/04/2013

Niềm tin và giá trị sống

Trong phiên xử phúc thẩm vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” ngày 24-4, người dự đều mất thiện cảm với bị cáo H. vì H. nghiện ma túy, thái độ lầm lì, từng bị xử hơn 6 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” và “Cố ý gây thương tích”.....

Trong phiên xử phúc thẩm vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” ngày 24-4, người dự đều mất thiện cảm với bị cáo H. vì H. nghiện ma túy, thái độ lầm lì, từng bị xử hơn 6 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” và “Cố ý gây thương tích”. Lời nói sau cùng trước khi Tòa nghị án của H.: “Bị cáo không có gì để nói” càng khiến nhiều người lắc đầu.


Chỉ có mẹ H. ngồi dưới như chết từng khúc ruột khi nghe Tòa tuyên con mình chịu án 8 năm tù. Bà sụt sùi: H. là con thứ 2 trong 4 người con của ông bà. Trước đây, H. là đứa con ngoan, lại rất khéo tay, có khiếu sửa đồ điện tử và còn thường xuyên tham gia hoạt động từ thiện, tình nguyện ở phường. Lúc đó, H. đang yêu một cô gái quê Đắk Lắk và đã dự định cưới nhau. Rồi chuyện tình bỗng dang dở khi H. bị gia đình người yêu cương quyết từ chối vì không muốn con lấy chồng xa. H. buồn bã về Nha Trang, nhưng vẫn hy vọng sẽ thuyết phục được họ. Nhưng chuyện đau lòng đã xảy ra. Khi đang cùng một nhóm bạn đi làm từ thiện ở Vạn Ninh, H. nhận được điện thoại báo tin dữ: Người yêu H. xuống Nha Trang tự tử, hiện đang cấp cứu. Giữa đêm khuya, H. một mình bắt xe về, để chỉ được ôm cô gái đã lạnh ngắt. Người ta đưa cho H. chiếc túi xách mà cô gái tha thiết muốn trao tận tay người yêu. Trong đó, ngoài đồ cá nhân, có một bức thư cho biết cô thà chết còn hơn phải cưới một thanh niên cùng quê mà cha mẹ ép...   


H. bỗng trở thành con người khác hẳn. Từ một thanh niên hăng hái tham gia nhặt bơm kim tiêm đã qua sử dụng để làm sạch đường, đẹp phố, H. bỗng chủ động sử dụng ma túy và lao vào vòng xoáy: “nghiện ngập - trộm cắp, đánh nhau lấy tiền mua ma túy - vào tù”. H. cũng chẳng tỏ ra sốc khi biết mình nhiễm HIV, chỉ nói đi nói lại một câu: “Cứ để con chết đi!”. Biết bao nước mắt của mẹ, lời khuyên của cha mới lay động được H., để khi ra tù, H. đồng ý cùng mẹ vào Cà Mau, tham gia câu lạc bộ (CLB) Niềm tin Đất Mũi do một người có tâm tập hợp các đối tượng nhiễm HIV, đi coi cá thuê. 5 năm ở đó, H. còn được mọi người bầu làm Phó Chủ nhiệm CLB. Niềm tin yêu cuộc sống dường như đang trở lại với H. thì người đỡ đầu CLB đột ngột qua đời. Anh em trong CLB bỗng bơ vơ. H. cùng mẹ trở về nhà, mang thêm nỗi buồn về một người tốt sớm ra đi. Hàng ngày, chàng trai 30 tuổi lặng lẽ phụ giúp cha mẹ làm mắm, không giao du, càng không yêu ai. 1 năm trôi qua, người dì muốn H. có thêm việc nên nhờ cháu phụ bỏ mối hải sản cho các khách sạn. Đi bỏ mối, tiếp xúc với nhiều người, lại sẵn nỗi lòng trầm uất, chỉ 3 tháng sau, H. bị bắt quả tang mua bán trái phép chất ma túy.


Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, khi yêu, người ta thường có động lực được chiếm hữu, chung sống với người đó. Nhưng khi cuộc tình đột ngột chấm dứt vì lý do nào đó, động lực tình cảm không được thỏa mãn sẽ trở nên tiêu cực. Có khi, người trong cuộc không kiềm chế được cảm xúc của bản thân, bi quan, tự hủy hoại bản thân. Dường như họ đã cường điệu hóa nỗi đau riêng, cho rằng mất người yêu là hết, cuộc sống hoàn toàn bế tắc, từ đó có những hành động thiếu kiểm soát.


Tuy nhiên, nếu xem thất bại trong tình yêu là một thử thách để phấn đấu, hay có cái nhìn hai chiều đối với tình yêu và cuộc sống, thì xã hội chắc chắn bớt được nhiều bi kịch. Chợt nhớ tới câu nói nổi tiếng của nhân vật Pavel Corsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy!” (Nikolai Ostrovsky), từng là “sách gối đầu giường” của nhiều thế hệ thanh niên Việt: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những nă m tháng đã sống hoài, sống phí...”. Hy vọng, trong tù, H.có thời gian tĩnh tâm để suy nghĩ về bản thân, gia đình và hiểu hơn giá trị sống để làm lại cuộc đời.


TAM THUẬT