11:09, 27/09/2010

Phát triển cây tầm vông: Hướng đi triển vọng

Tầm vông là một loại tre đặc biệt, có nhiều công dụng hữu ích trong đời sống và sản xuất. Hiệu quả kinh tế của tầm vông ngày càng được khẳng định thông qua nhu cầu mua bán của nhiều hộ dân.

Tầm vông (TV) là một loại tre đặc biệt, có nhiều công dụng hữu ích trong đời sống và sản xuất. Hiệu quả kinh tế của TV ngày càng được khẳng định thông qua nhu cầu mua bán của nhiều hộ dân. Nhu cầu nguyên liệu từ cây TV ngày càng lớn; trong khi đó, nguồn TV gây trồng ngày càng giảm do khai thác quá mức, cung không đủ cầu. Vì vậy, việc nghiên cứu sâu về cây TV để có hướng phát triển thích hợp, hiệu quả đang được đặt ra.

° Đem lại nhiều lợi ích

Ở Khánh Hòa, cây TV đang khan hiếm, bởi loại tre này không phải là loài đặc hữu. TV là loài cây nổi tiếng của vùng đất Nam bộ. 10 năm trở lại đây, thấy được lợi ích nhiều mặt của cây TV, một số nông dân Khánh Hòa đã đưa vào trồng. Khu vực ven sông Cái xã Diên Phú (Diên Khánh) có thể gọi là trọng điểm cây TV của tỉnh với quy mô tự phát lên tới 5ha. Anh Lý Văn Hoàng - một nông dân trồng cây TV ở thôn 4, xã Diên Phú cho biết, cây TV xuất hiện ở đây khoảng 10 năm. Người đầu tiên trồng TV là ông Lý Ninh. Tuy TV có thể trồng ở bất cứ nơi đâu, nhưng thích hợp nhất vẫn là nơi có độ ẩm cao, ven sông suối. Từ khi trồng cho đến khi khai thác phải mất 5 năm để TV phát triển thành bụi. Tuổi cây TV được khai thác trung bình là 2 năm. Trị giá của cây TV khá cao. Cây bán tại đám hiện nay có giá 10 ngàn đồng/cây, nếu đã qua chế biến (uốn thẳng) có thể lên tới 18 - 20 ngàn đồng/cây. Bình quân 1ha TV cho doanh thu 60 triệu đồng/năm, trong đó chi phí chỉ chiếm 20%.

Phát triển cây tầm vông là hướng đi nhiều triển vọng
Ngoài việc sử dụng làm vật liệu xây dựng như những loài tre khác, do độ bền cao, đặc biệt là khả năng dễ uốn cong nên cây TV được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác như: làm bàn, ghế, kệ, tủ…; đồ dùng trong nhà (gậy, thang, cán nông cụ…); phục vụ cho ghe, thuyền đánh cá (làm cờ biển chỉ vị trí lưới giăng)… Thị trường tiêu thụ tại Nha Trang hàng năm lên đến hàng ngàn cây. Do không đủ cung cấp nên tư thương buộc phải mua từ các nơi khác như: Bình Phước, Đồng Nai…

Ngoài ra, TV còn cho nguồn thực phẩm là măng đặc ruột rất ngon nên được nhiều người ưa thích. Theo Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công Việt Nam (HRPC), các vùng nguyên liệu tre nứa, trong đó có cây TV đã bị suy giảm nhiều trong những năm gần đây khi nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng. Điều này khiến cho giá nguyên liệu tăng. Chỉ riêng cây TV tại Tây Ninh (đường kính 3,5cm, dài 7m) đã tăng từ 7 ngàn đồng/cây (năm 2006) lên 15 ngàn đồng/cây (năm 2008)...

° Trở thành đề tài khảo nghiệm

Chính giá trị và lợi ích nhiều mặt của cây TV đối với cuộc sống và sản xuất nên nguồn nguyên liệu này ngày càng khan hiếm. Các ngành chức năng của tỉnh đã phải xây dựng đề tài nghiên cứu về cây TV trên đất Khánh Hòa để làm cơ sở phát triển nguồn nguyên liệu quý giá này. Đề tài do Kỹ sư Võ Quang Cảnh - Chi cục Phát triển nông thôn làm chủ nhiệm, triển khai từ năm 2007 đến 2009. Đề tài đi sâu nghiên cứu các đặc tính sinh học của cây TV dựa trên 2 giống (giống đang trồng ở Khánh Hòa và giống xuất xứ từ Bình Dương); bố trí các mô hình thử nghiệm trồng phân tán và tập trung tại các khu vực khác nhau như: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Ninh Hòa; theo dõi, đo đếm, so sánh kết quả trên nhiều chỉ tiêu sinh học (tỷ lệ sống, tăng trưởng, phát triển bụi…). Qua đó đã có được kết luận ban đầu về các điều kiện thích nghi, đặc điểm sinh học, sinh thái phù hợp, từng bước hoàn thiện kỹ thuật gây trồng và đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan, làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình. Cũng theo kết luận của đề tài, thời gian qua, trước áp lực nhu cầu nguyên liệu, một số cơ sở đã tiến hành trồng cây TV nhưng không thành công. Cụ thể: Hợp tác xã Mây tre Vĩnh Phước trồng 1.000 cây TV từ năm 2006 nhưng tỷ lệ sống không quá 5%. Có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng là cần tìm hiểu sâu về đặc điểm sinh học, đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất được lựa chọn để gây trồng. Đề tài nhận định, từ kết quả quá trình thử nghiệm có thể nhân rộng mô hình ra các địa phương; cần nghiên cứu, xây dựng quy trình khai thác với chu kỳ và cường độ hợp lý để ước tính sản lượng và hiệu quả đầu tư; cần khảo sát thị trường, nhu cầu và tiềm năng để phát triển vùng nguyên liệu…

Với giá trị kinh tế nhiều mặt trong đời sống và sản xuất, việc phát triển cây TV có ý nghĩa to lớn đối với các khu vực nông thôn, miền núi. Đây cũng là cơ hội giảm nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi khi so sánh giá trị kinh tế của cây TV với nhiều loại cây trồng khác. Điều quan trọng, sau khi đề tài được nghiệm thu, việc xây dựng dự án phát triển cây TV cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan để nó thật sự trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

QUANG VIÊN