03:09, 27/09/2010

Từng bước chuyển đổi theo nhu cầu của thị trường lao động

Đào tạo nghề có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, từng bước nâng cao đời sống cho người lao động.

Đào tạo nghề (ĐTN) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, từng bước nâng cao đời sống cho người lao động. Xác định được ý nghĩa đó, những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) không ngừng đẩy mạnh công tác ĐTN cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm ngàn lao động.

Để công tác ĐTN đạt kết quả cao, Sở LĐ-TB-XH luôn chú trọng phát triển, nâng cấp hệ thống các cơ sở ĐTN trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ cùng tham gia ĐTN cho người lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB-XH còn đầu tư thêm trang thiết bị dạy học, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, tăng cường ĐTN dài hạn, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học để phù hợp với sự thay đổi kỹ thuật và công nghệ sản xuất ; đồng thời mở nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 59 cơ sở ĐTN, trong đó có 19 cơ sở dạy nghề công lập và 40 cơ sở dạy nghề ngoài công lập tham gia ĐTN cho người lao động. Các cơ sở dạy nghề được phân bổ đều, mỗi huyện đồng bằng đều có trường trung cấp nghề, 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh có trung tâm dạy nghề.

Dạy nghề đang từng bước chuyển đổi theo hướng tiếp cận với nhu cầu của thị trường lao động

Song song với đó, để khuyến khích người dân tham gia học nghề, Sở LĐ-TB-XH còn chỉ đạo và giao chỉ tiêu cụ thể hàng năm cho các cơ sở dạy nghề tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; lồng ghép vào mỗi buổi họp dân ở các xã, phường, thị trấn để vận động, giải thích ý rõ nghĩa của việc học nghề đến từng người dân; phối hợp với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông mở nhiều đợt tư vấn hướng nghiệp cho những học sinh không đủ khả năng học cao hơn để chuyển sang tham gia học nghề.

Trong công tác ĐTN, đối với những xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, để tạo thuận lợi cho người học, các cơ sở dạy nghề đều phối hợp với chính quyền địa phương xuống tận nơi mở lớp dạy nghề cho người dân. Bên cạnh đó, đối với những đối tượng học nghề thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn…, Sở đều có những chính sách hỗ trợ kinh phí (học phí, ăn ở, đi lại) cho người học. Không những thế, Sở LĐ-TB-XH còn chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp để triển khai thực hiện chương trình ĐTN được sâu rộng. Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề mới như: dạy nghề theo địa chỉ, dạy nghề lưu động, dạy nghề có sự hỗ trợ vật tư thực hành và bao tiêu sản phẩm..., góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo thu nhập cho người lao động trong quá trình học nghề. Một số cơ sở dạy nghề còn mời các doanh nghiệp cùng tham gia vào hội đồng thi tốt nghiệp nên tạo được những thuận lợi trong việc tuyển dụng người lao động sau khi tốt nghiệp. Bằng những việc làm đó, từ đầu năm 2006 đến nay, Sở LĐ-TB-XH đã tổ chức ĐTN cho hơn 108.300 lao động.

Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: “Những năm qua, nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về ĐTN đã có chuyển biến tích cực. Phụ huynh, học sinh ngày càng quan tâm hơn trong việc học nghề nên số lượng tuyển sinh học nghề hàng năm tăng lên đáng kể. Hệ thống luật pháp, chính sách về dạy nghề đã từng bước được hoàn thiện đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cho công tác dạy nghề phát triển và triển khai đến tận các cơ sở. Công tác ĐTN đang từng bước chuyển đổi theo hướng tiếp cận với nhu cầu của thị trường lao động, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo và xuất khẩu lao động. Quy mô dạy nghề tăng nhanh, nâng tỷ lệ lao động qua ĐTN và góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ở một số ngành nghề đào tạo như: cơ khí ô tô, gò hàn, điện, điện tử, du lịch, may mặc…, người lao động đã đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác xã hội hóa dạy nghề còn chậm, chưa huy động tối đa khả năng tham gia của các thành phần kinh tế trong công tác dạy nghề, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề chưa đạt được hiệu quả cao. Nhiều địa phương chưa xây dựng và đưa vào kế hoạch dạy nghề của địa phương mình nên kết quả chỉ đạo còn hạn chế...”.

Để công tác ĐTN cho người lao động đạt được những kết quả cao hơn nữa, thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH cần chú trọng đầu tư thêm về cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ sở dạy nghề, nhằm nâng cao chất lượng học nghề cho người lao động. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa ĐTN sâu rộng hơn. Các cơ sở dạy nghề và địa phương cần tăng cường việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề.

Văn Giang