11:04, 17/04/2013

Chung tay đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, kỹ năng mềm trong xử lý tình huống; nâng cao đạo đức, tác phong, tư cách và lòng yêu nghề cho sinh viên du lịch

Nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, kỹ năng mềm trong xử lý tình huống; nâng cao đạo đức, tác phong, tư cách và lòng yêu nghề cho sinh viên (SV) du lịch (DL); tạo điều kiện cho các em thực tập, rèn kỹ năng nghề sát với thực tế… là những nội dung mà nhà trường và doanh nghiệp DL thống nhất với nhau trong một cuộc gặp gỡ gần đây.


Trường Cao đẳng Nghề DL Nha Trang vừa phối hợp với các doanh nghiệp (DN) DL trên địa bàn tỉnh tổ chức hội thảo với chủ đề “Gắn kết nhà trường với DN”. Hội thảo nhằm tìm tiếng nói chung giữa việc đào tạo của nhà trường với nhu cầu sử dụng lao động của DN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành DL.


Theo ông Lê Xuân An - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề DL Nha Trang, hiện nay, nguồn nhân lực ngành DL trên địa bàn cũng như các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ, vừa thừa, vừa thiếu, lại vừa yếu. Nhiều trường đào tạo nhưng SV ra trường không đáp ứng được nhu cầu thực tế sử dụng của DN, nhất là trình độ về ngoại ngữ, thực hành, giao tiếp thực tế... Chính vì vậy, nhà trường và các DN cần phải phối hợp để tìm tiếng nói chung. Nhà trường phải biết rõ nhu cầu lao động của DN để điều chỉnh giáo trình đào tạo sát với thực tế, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của DN...


Theo phản ánh của các DN, hiện nay còn nhiều tồn tại, yếu kém trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành DL tại các trường. Ông Phan Anh Dũng - Phó Giám đốc Khách sạn Viễn Đông nhận định: Nhà trường không chỉ đào tạo cho SV vững về kỹ năng nghề nghiệp, vững về ngoại ngữ mà còn rèn cho các em tâm lý vững vàng khi đứng trước đám đông. Hầu hết SV ra trường giao tiếp bằng ngoại ngữ còn rất kém, không mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp với khách hàng. “Làm DL mà không tự tin thì rất khó, nhất là tâm lý khi đứng trước đám đông, đứng trước khách hàng là người nước ngoài”, ông Dũng nói. Cùng chung suy nghĩ đó, ông Lê Quốc Đa - Giám đốc chuỗi Nhà hàng Ấn Độ chia sẻ: Khả năng ngoại ngữ của SV mới ra trường rất hạn chế. Một số em có khả năng nhưng khi giao tiếp với người nước ngoài lại thiếu tự tin, thiếu một số kiến thức thực tế... Vì vậy, nhà trường cần phải mời lãnh đạo một số DN DL lớn, có uy tín, những hướng dẫn viên giỏi đến nói chuyện, giúp các em học hỏi kinh nghiệm, hoặc mời chuyên gia nước ngoài rèn kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp với người nước ngoài để các em nâng cao trình độ...

Hình: Du lịch đang cần nguồn lao động chất lượng trong thời gian tới.
Du lịch đang cần nguồn lao động chất lượng trong thời gian tới.


Còn theo bà Đỗ Thị Tuyết Nhung - Trưởng phòng Đào tạo Khách sạn Sheraton Nha Trang, bên cạnh kiến thức nghề cơ bản, trình độ ngoại ngữ thành thạo nhà trường cần trang bị cho các em lòng yêu nghề, tâm thế của một SV DL, làm sao để các em hiểu DL là nghề phục vụ, để từ đó sẵn sàng cho công việc...


Ngoài các kiến thức, kỹ năng nghề, nhà trường cũng cần trang bị cho SV những kiến thức căn bản liên quan đến từng quốc gia như: Bản sắc văn hóa, tập tục, thói quen ăn uống, một số món ăn chỉ được dùng trong những dịp đặc biệt...; những kỹ năng mềm, nắm được tâm lý của du khách để xử lý tình huống trong giao tiếp, kỹ năng hoạt náo khi tổ chức tour...


Thời gian qua, tình trạng DN chưa tạo điều kiện cho SV khi đến thực tập vẫn còn diễn ra. Một số DN cho thực tập nhưng chưa tin tưởng nên không cho SV thực tập giao tiếp với khách hàng mà chỉ “sai vặt”; vì vậy, các em đi thực tập mà không được tiếp xúc thực tế! Hoặc nhiều SV đi thực tập nhưng chỉ đến ngồi chơi, hoặc ít đến DN... Vì vậy, các DN đề nghị nhà trường cần có trách nhiệm đối với việc đi thực tập của SV. Trước hết, các thầy cô giáo cần liên hệ trực tiếp để các DN, cơ sở DL, khách sạn tạo điều kiện thuận lợi và kiểm soát được các em trong quá trình thực tập; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành DL...


Theo ông Bùi Xuân Lương - Trưởng phòng Nghiệp vụ DL Sở Văn hóa - Thể thao và DL, hiện nay, Khánh Hòa có gần 18.000 lao động hoạt động trên lĩnh vực DL. Trong 5 năm tới, DL Khánh Hòa cần thêm khoảng 15.000 lao động. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, nhà trường cần điều chỉnh giáo trình, chương trình đào tạo sát với tình hình thực tế, nhu cầu của DN để có thể nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực DL, đáp ứng được nhu cầu của các DN trong thời gian tới...


Nam Phong