06:02, 08/02/2016

Mẹ ơi sáng nay xuân về...

Một mùa xuân mới đang về. Xuân về bằng những chồi non ứa nhựa đang cựa mình vươn lên, bằng ánh nắng vàng như trải mật trong cái lạnh se se...

Một mùa xuân mới đang về. Xuân về bằng những chồi non ứa nhựa đang cựa mình vươn lên, bằng ánh nắng vàng như trải mật trong cái lạnh se se... Trên đường Trần Phú tấp nập du khách, không gian cứ ngập tràn giai điệu bài hát Mùa xuân gọi của Trần Tiến: Mẹ ơi sáng nay xuân về, mẹ trông ra ngoài hiên nắng, mẹ mong đứa con xa nhà…


Tôi cứ vẩn vơ nghĩ rằng, sống ở thành phố thì chả mấy người cảm nhận được những điều man mác đằng sau giai điệu rất xuân kia. Phải, ở phố mấy gia đình có được cảm giác ngóng trông những đứa con đi làm ăn xa về đoàn tụ gia đình ngày đầu xuân mới? Thằng Hai, nhỏ Tư... có lập nghiệp cũng chỉ loanh quanh cách nhau vài con phố. Nó có về nhà mẹ thì cũng cuốn theo bạn bè đến quán bar, quán cà phê nào đó cho hết đêm giao thừa...

 


Giai điệu rộn ràng rất xuân kia cứ kéo tôi về một vùng quê bình yên. Nơi làng quê ấy vẫn hiền hòa sau lũy tre làng, vẫn có cánh đồng lúa sáng sớm mờ hơi sương chấp chới cánh cò bay lẻ, vẫn những nếp nhà lặng lẽ bên hàng cau... nhưng làng quê ấy ngày càng vắng người. Những nam thanh nữ tú đến tuổi trưởng thành cứ như những cánh chim, lần lượt bay đi muôn phương, kiếm tìm tương lai. Mảnh ruộng kia chỉ thơ mộng dưới cái nhìn của thơ văn chứ không đủ nuôi sống người. Những đô thị mới mọc lên, những khu công nghiệp mới mọc lên... đã hút hết tinh lực của những làng quê bình yên ấy. Trong mái nhà lặng lẽ kia, chỉ còn cha mẹ già ngày đêm ra vào, mong ngóng tin của những đứa con.


Tâm trí tôi còn đi xa hơn, khi nhớ đến những ngày còn bom rơi đạn nổ. Những người con lên đường theo tiếng gọi của sơn hà nguy biến, không hẹn ngày về. Những ngày ấy, nỗi lo, niềm linh cảm của người mẹ và tình thương khôn nguôi cứ đè nặng vai mẹ già. Ngày Tết, nỗi lo, niềm nhớ càng cồn lên, ngỡ vắt kiệt đi tâm lực của mẹ. Tôi và đám em im thin thít khi chiều 30 Tết, mẹ làm mâm cơm xong quên cả giục lũ con ăn, cứ ngồi ngóng ra cổng, đôi mắt xa xăm dõi theo bóng hình anh Hai nơi mũi tên hòn đạn đã mấy cái Tết chưa về.  


Mùa xuân tới. Mẹ biết những đứa con của mẹ lăn lộn mưu sinh nơi đất khách quê người vất vả lắm, nhưng ngày Tết mẹ vẫn mong gia đình sum họp để mẹ được nghe thấy tiếng cười đùa, chọc ghẹo nhau của lũ con như ngày nào còn ấp bẹ. Đáp lại những ngóng trông của triệu bà mẹ ấy, cũng có cả triệu con người cứ dịp Tết về lại làm cuộc “di dân” nhọc nhằn. Bằng tất cả khả năng, bằng mọi phương tiện... cả triệu công nhân từ những khu công nghiệp của Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... lại tranh thủ về quê ăn Tết. Những dòng xe bất tận chảy về miền Trung, xuôi về miền Tây, thả về làng quê những đứa con miệt mài lăn lộn cả năm chỉ mong có ngày được đắm mình trong tình cảm gia đình, quê hương trong mấy ngày xuân đoàn viên, để có thêm nghị lực cho một năm tới xa nhà.


Có ai nói, mỗi một người đều có chút góc quê trong sâu thẳm tâm hồn. Dẫu người phố thị bao đời, cũng bắt đầu từ một miền quê nào đó. Vậy nên ai cũng cố kéo chút hương quê về căn nhà phố. Những tình cảm ruột rà quê hương, luôn bị che khuất đi bởi những bận rộn, lo toan đủ màu của cuộc sống, thì đến những ngày cuối năm, trong cái se lạnh của không gian, trong mùi khói trầm thơm ngát, người ta vẫn bâng khuâng nhớ tới một miền ký ức, lại muốn náo nức hòa mình vào cái dòng “di dân” khổng lồ kia, bất chấp vất vả chỉ để tìm về cội nguồn.


Bởi nơi ấy có mẹ già đang ngóng ra ngoài hiên nắng, chờ những đứa con đi xa, bởi mái nhà kia cả năm đã quạnh quẽ tiếng người...


Và trái tim người nghệ sĩ đã run lên khi an ủi mẹ: Rồi mùa xuân, anh ấy sẽ về!

Thủy Ngân