02:02, 08/02/2016

Tết xưa ở Diên Khánh qua góc nhìn của một người Anh

Edward Brown, một người Anh đã có dịp ăn Tết Mậu Ngọ (năm 1858) ở thành Diên Khánh. Những gì ông ghi lại trong sách "Cochin-China and My Experience of It" cho ta thấy một bức tranh sống động về ngày Tết, cũng như đời sống dân chúng, sinh hoạt kinh tế, tình hình chính trị ở Khánh Hòa và Việt Nam tại thời điểm trước khi thực dân Pháp xâm lược.

Edward Brown, một người Anh đã có dịp ăn Tết Mậu Ngọ (năm 1858) ở thành Diên Khánh. Những gì ông ghi lại trong sách “Cochin-China and My Experience of It” cho ta thấy một bức tranh sống động về ngày Tết, cũng như đời sống dân chúng, sinh hoạt kinh tế, tình hình chính trị ở Khánh Hòa và Việt Nam tại thời điểm trước khi thực dân Pháp xâm lược.


Ấn tượng về một vùng đất


Edward đã ở Khánh Hòa hơn 9 tháng. Vì sao Edward có mặt ở Diên Khánh vào những ngày Tết Mậu Ngọ là cả một câu chuyện dài. 9 tháng trước, chiếc tàu do Edward làm thuyền trưởng bị bão thổi bạt từ Quảng Đông xuống gần Hoàng Sa. Khi thuyền vào gần đất liền thì bị giặc Tàu Ô chặn cướp và đưa về giam giữ ở Vũng Rô (Phú Yên). Edward được ngư dân Việt vớt lên, sau khi trốn thoát khỏi đám cướp biển. Họ nuôi giấu ông ở làng Cồn Cát - có vẻ ở Đầm Môn (Vạn Ninh - Khánh Hòa) ngày nay, sau đó báo lên quan ở Hòn Khói. Edward được thủy quân triều đình đến đón đưa về Hòn Khói, ở một thời gian, rồi đưa về Ninh Hòa, Nha Trang, sau đó về thành Diên Khánh. Và Edward ở lại thành Diên Khánh hơn 7 tháng nữa để chờ giấy thông hành áp tải đi Singapore, giao trả lại cho người Anh. Sau thêm 2 tháng đi đường bộ và thủy, qua ngả Ninh Thuận - Bình Thuận - Biên Hòa - Gia Định - Định Tường - Vĩnh Long - Hà Tiên, cuối cùng Endward lên được tàu Anh.

 

Các diễn viên múa và voi của Quan Bố, chụp tết năm 1907 ở Nha Trang. Lời chú thích trên hình: Sau màn múa, là màn trình diễn của con voi của Quan Bố Chánh.  Ảnh: GRABRIELL MAUD VASAL
Các diễn viên múa và voi của Quan Bố, chụp tết năm 1907 ở Nha Trang. Lời chú thích trên hình: Sau màn múa, là màn trình diễn của con voi của Quan Bố Chánh. Ảnh: GRABRIELL MAUD VASAL


Với hành trình gian nan đó, những điều mắt thấy tai nghe đã được Edward ghi chép lại thành một tập du ký lý thú về đất nước, con người Việt Nam ở thời gian đó, đặc biệt là Khánh Hòa.


Ấn tượng đầu tiên của Edward là người Việt rất nghèo nhưng rất tốt bụng, không nề hà chuyện giúp đỡ người hoạn nạn. Thêm vào đó, thành thị trong nội địa của người Việt rất sạch sẽ và ngăn nắp, đường sá có các hàng rào cây xanh bao bọc. Ở thành Diên Khánh có nhiều tòa nhà to lớn, đặc biệt là dãy nhà kho dài tới 250m và mái cao hơn 20m. Trái cây ở Khánh Hòa nói riêng và trên toàn miền Nam nói chung rất phong phú, đa dạng và rất rẻ. Edward cũng chú ý tới nông nghiệp và các loại lúa, nghề dệt lụa và gấm ở Ninh Hòa và Diên Khánh. Rừng ở Khánh Hòa cũng gây ấn tượng mạnh cho Edward.

 

Hình bìa của cuốn sách của Edward Brown  xuất bản năm 1861
Hình bìa của cuốn sách của Edward Brown xuất bản năm 1861


Một hiện tượng khiến Edward chú tâm là tuy đất nước này đóng kín cửa với bên ngoài nhưng có rất nhiều ảnh hưởng của phương Tây ở đây. Đó là cây kiếm Pháp của viên thuyền trưởng đến đón ông ở Cồn Cát, chiếc soái hạm đóng theo kiểu châu Âu của hạm đội nhà Nguyễn neo ở cảng Hòn Khói, đến các thành quách và cột cờ làm theo kiểu châu Âu ở Ninh Hòa và Diên Khánh, và hàng trăm khẩu đại bác cùng 600 súng trường Pháp kiểu cũ cất trong kho ở thành Diên Khánh. Dân chúng có nhiều người mặc đồ vải bông trắng, sẹt và ka ki. Đặc biệt, quân phục của lính tráng tuy rách rưới nhưng may toàn bằng vải vóc phương Tây.


Ăn Tết ở Diên Khánh


Edward không biết những sự kiện mình được phép tham dự là ngày Tết, nhưng căn cứ vào ngày tháng (dương lịch) mà Edward ghi lại cũng như tính chất của lễ lạc, ta có thể đoán ra đó là dịp lễ, Tết. Sự kiện đầu tiên mà Edward được tham dự là các cuộc đua tài trên một vận động trường cách cửa Tây thành Diên Khánh khoảng 1/4 dặm Anh, có nhiều vườn cây trái bao quanh. Đây có vẻ là vị trí của sân banh Hà Dừa ngày nay. Edward nhận thấy vận động trường được tổ chức theo lối các cuộc đua mùa xuân ở Âu châu, với nhiều trụ căng dây thừng bao quanh sân làm thành đường đua, có một khán đài lớn cho quan đầu tỉnh và giới quyền quý ngồi xem, cùng 2 khán đài nhỏ. Ngoài ra, còn có các quầy rượu và trái cây sắp dọc theo đường đua. Không có đông khán giả lắm.

 

Các diễn viên hát bội chụp Tết năm 1907 ở Nha Trang.  Lời chú thích trên hình: Sau buổi diễn, các diễn viên đồng ý đứng chụp hình. Ảnh: GRABRIELL MAUD VASAL
Các diễn viên hát bội chụp Tết năm 1907 ở Nha Trang.  Lời chú thích trên hình: Sau buổi diễn, các diễn viên đồng ý đứng chụp hình. Ảnh: GRABRIELL MAUD VASAL


Cuộc đua ngựa mở màn khiến Edward thất vọng. Giống ngựa cỏ Việt Nam chỉ to cỡ con ngựa con bên Âu châu và sức quá yếu để đua cho ra hồn nên chỉ có 2 trong số 12 con ngựa đua về tới đích. Tuy nhiên, Edward rất khoái cuộc đua voi khi thấy 7 con thú khổng lồ mang những cái bành đẹp đẽ, ganh đua với nhau tận tình trên đường chạy trong tiếng reo hò cổ vũ của khán giả. Phần thắng thuộc về con bạch tượng lớn nhất.


Sau đó là các cuộc thi bắn. Cuộc thi bắn cung diễn ra tẻ nhạt, nhưng cuộc thi bắn đạn diễn ra rất hấp dẫn. Các viên đạn sành cũng được bắn bằng cánh cung, đạn được giữ và bắn đi từ một cái chén nhỏ gắn trên dây cung. Tuy nhiên, các cuộc thi bắn cũng không hấp dẫn khán giả lắm.


Sau khi các cuộc thi kết thúc, nhà hát mở cửa, cũng hoàn toàn miễn phí cho dân chúng vào xem. Đó là một tòa nhà lớn và dài, với cái mái vĩ đại tựa trên các cột kèo to lớn, bao phủ một diện tích khoảng 500m2. Quan đầu tỉnh ngồi trên một cái bục lớn, đặt phía trước sàn diễn. Đến đoạn diễn nào ưng ý, quan điểm trống và người tùy tùng ném các xâu tiền lên sân khấu thưởng cho diễn viên. Vở tuồng thường xuyên bị gián đoạn vì các diễn viên ngưng diễn để lượm tiền. Các diễn viên diễn suốt ngày không nghỉ, và tiền công hoàn toàn tùy thuộc vào sự tán thưởng của quan và số lần ông điểm trống. Edward không hiểu và cũng không cảm được nhạc ngũ cung, tuy nhiên ông thích điệu bộ lạ lùng và quần áo sặc sỡ của các diễn viên.


Quan Bố Chánh có một thông dịch viên biết nói tiếng Anh. Kong Whu, người ở thành Diên Khánh, đã được gởi sang Singapore học từ nhỏ và có vẻ là người thực hiện các vụ giao dịch trên các chuyến tàu buôn bán giữa triều đình Huế và Singapore. Trong nhà Kong Whu có nhiều hàng hóa phương Tây, kể cả bánh bích quy và rượu Brandy để mời Edward.


Trong thời gian ở Diên Khánh, quan chu cấp cho Edward đầy đủ quần áo, tiền để chi tiêu. Tuy vẫn phải ở tạm trong tù và ăn cơm tù, nhưng ông được tự do ra ngoài hàng ngày. Khi Edward nhận được giấy thông hành, quan tặng cho ông 2 cái áo dài, 2 bộ đồ bộ, dây nịt, khăn đóng đội đầu, 10 thước lụa, cùng năm ngàn bạc để tiêu xài lúc đi đường.


Ngày 1-7-1858, Edward lên được một chiếc tàu Anh ngoài khơi Hà Tiên. Và khi viết lại cuộc du hành của mình theo yêu cầu của các thuyền trưởng, ông đã dành nhiều dòng cảm kích người Việt và chánh phủ Việt Nam. 3 năm sau, sách này được xuất bản ở Anh.


T.M