11:08, 25/08/2016

Phải an toàn!

Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố 10 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn TP. Nha Trang. Đó là: Siêu thị Co.opMart Nha Trang; cửa hàng thực phẩm sạch số 10 Lý Tự Trọng; cửa hàng gạo Phước Long; siêu thị 3F; siêu thị Metro; cửa hàng hải sản Sáu Oanh; Công ty TNHH Trái cây 3 miền; cửa hàng bán buôn tổng hợp Công ty TNHH Moonmilk; giò chả Khánh Hằng; cơ sở cung cấp trái cây Hùng Nguyệt.

Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố 10 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn (TPAT) trên địa bàn TP. Nha Trang. Đó là: Siêu thị Co.opMart Nha Trang; cửa hàng thực phẩm sạch số 10 Lý Tự Trọng; cửa hàng gạo Phước Long; siêu thị 3F; siêu thị Metro; cửa hàng hải sản Sáu Oanh; Công ty TNHH Trái cây 3 miền; cửa hàng bán buôn tổng hợp Công ty TNHH Moonmilk; giò chả Khánh Hằng; cơ sở cung cấp trái cây Hùng Nguyệt.


Sản phẩm của các điểm bán TPAT nói trên được xác định nuôi trồng, chế biến tại các cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP); có cam kết được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP...; được chứng nhận đủ điều kiện ATTP.


Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hòa, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố còn lại lựa chọn, xây dựng mỗi địa phương 2 điểm kinh doanh TPAT, chậm nhất đến cuối năm 2016.


Chúng ta đều biết, tình trạng thực phẩm bẩn lan tràn hiện nay đang là một vấn nạn nghiêm trọng; khiến nhiều người ví von con đường từ dạ dày đi tới nghĩa trang gần hơn bao giờ hết. Bước đầu chọn ra 10 điểm kinh doanh TPAT như trên là một trong những nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp Khánh Hòa trong việc từng bước cung cấp TPAT cho người dân. Người dân đang trông chờ những địa chỉ có thể tin cậy được khi tiêu dùng thực phẩm.


Trước đây, nhiều nông dân thực hiện nuôi trồng theo các quy chuẩn của ngành nông nghiệp, nhưng sau đó phải... bỏ cuộc. Nguyên nhân do chi phí sản xuất cao hơn cách sản xuất bình thường, nhưng đầu ra không có, không ai mua nên sản phẩm sạch phải bán cùng giá với sản phẩm sản xuất theo cách bình thường, khiến hiệu quả sản xuất thấp. Cho nên, việc tổ chức tốt các điểm kinh doanh TPAT sẽ tạo những địa chỉ tiêu thụ tốt để nông dân mạnh dạn hơn trong đầu tư sản xuất TPAT.


Như vậy, việc thành lập những điểm kinh doanh TPAT đã tạo được những địa chỉ tốt cho cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất.


Song, trước thực tế công tác quản lý về ATTP còn nhiều hạn chế như hiện nay, người dân vẫn chưa thật sự tin tưởng vào thực chất của những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo một số quy chuẩn hiện hành. Cho nên cần tiến hành kiểm tra, giám sát thật chặt chẽ quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch cũng như chất lượng nguồn hàng nhập của những điểm kinh doanh TPAT nói trên.


Nhìn ra địa phương bạn, TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành thành lập Ban quản lý ATTP, là cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm chính về ATTP, là đầu mối có đủ thẩm quyền quản lý xuyên suốt công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Đây là mô hình đáng tham khảo. Bởi trên thực tế, cách quản lý ATTP theo hướng liên ngành như hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế trong phân công, phối hợp..., dẫn tới hiệu quả chưa được như mong muốn. Có một cơ quan chuyên trách đủ năng lực giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn, công tác quản lý ATTP sẽ có nhiều thuận lợi hơn.


Trở lại vấn đề, để người dân tin tưởng vào các điểm kinh doanh TPAT là điều không dễ. Phải làm sao đó để thực phẩm ở đây thực sự an toàn.


PHONG NGUYÊN