11:02, 16/02/2016

Đâu rồi những câu hát đồng dao?

Đồng dao là gì hở ba? Câu hỏi của cậu con trai 6 tuổi làm tôi giật mình, bởi hình như lâu lắm rồi không thấy ai hát đồng dao.

Đồng dao là gì hở ba? Câu hỏi của cậu con trai 6 tuổi làm tôi giật mình, bởi hình như lâu lắm rồi không thấy ai hát đồng dao.


Tuổi thơ chúng tôi lớn lên cùng những câu hát đồng dao giản dị, mộc mạc, kiểu như: “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/Thả trâu ăn lúa… gọi cha ời ời/Cha còn cắt cỏ trên đồi/Mẹ thì cưỡi ngựa đi mời quan viên”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những đêm cùng lũ bạn ngồi trước hiên nhà ngắm trăng, hát vang bài đồng dao này. Rồi những bài đồng dao gắn với các trò chơi như: “Rồng rắn lên mây/Có cây núc nắc/Có nhà điểm danh/Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không…”; hay trò chi chi chành chành với bài “Chi chi chành chành/Cái đanh thổi lửa/Con ngựa chết trương/Ba vương ngũ đế…”; trò nu na nu nống: “Nu na nu nống/Cái trống nằm trong/Con ong nằm ngoài/Củ khoai chấm mật…”.


Trẻ con ngày ấy ai cũng thuộc đồng dao, cũng chơi các trò chơi dân gian, và gần như trò chơi nào cũng gắn với đồng dao. Có những hôm trời mưa, ngồi buồn, chúng tôi lại hát: “Lạy trời mưa xuống/Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cày/Lấy đầy bát cơm/Lấy rơm đun bếp”; hay những buổi rong chơi trên đồng ruộng nhảy chân sáo thay nhau đọc đồng dao: “Chim ri là dì sáo sậu/Sáo sậu là cậu sáo đen/Sáo đen là em tu hú/Tu hú là chú bồ các/Bồ các là bác chim ri…”. Ngay cả những trò chơi đơn giản nhất cũng có câu hát kiểu như: “Kéo cưa lừa xẻ/Ông thợ nào khỏe/Về ăn cơm vua/Ông thợ nào thua/ Về bú tí mẹ”; “Tập tầm vông, tay nào không, tay nào có? Tập tầm vó, tay nào có, tay nào không?”.  


Bây giờ, cuộc sống đổi thay, trẻ con từ nhà quê đến thành phố đều mệt với việc học, có chút ít thời gian thì xem truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử. Về nhà quê bây giờ cũng hiếm khi bắt gặp hình ảnh các em tụm năm tụm bảy rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê… vào những đêm trăng sáng. Để dỗ dành con trẻ, hầu hết các bậc phụ huynh cũng không nghĩ đến những trò chơi dân gian hay bài đồng dao. Trong khi thực tế, đồng dao là một phương thức giáo dục rất hiệu quả bởi đặc tính dễ thuộc, dễ nhớ. Những bài đồng dao Gọi mẹ, Gọi nghé của trẻ mục đồng; đồng dao về chim, lá, hoa quả… đều toát lên tình cảm yêu thiên nhiên, yêu lao động. Những bài đồng dao ngắn gọn, dễ nhớ đó cung cấp cho trẻ con những kiến thức về các con vật, sự việc quanh mình như: “Con trâu cày xiên/Cái liềm gặt lúa”; về đồ ăn, thức uống: “Những nồi cơm nếp, những tệp bánh chưng, mứt bí, mứt gừng, mứt chanh, mứt khế”; kiến thức về nghề nghiệp: “Ai cày ruộng nuôi trâu, ai trồng dâu nuôi tằm, ai hay nằm nhịn đói”. Đồng dao cũng dạy các em phê phán thói hư tật xấu, sự lười nhác: “Cho đi học chữ/Nhiều chữ ai vay/Cho đi học thầy/Rằng nghề ấy khó/Cho đi làm thợ/Nói nghề ấy buồn/Cho đi học buôn/Nói nghề ngồi chợ”…


Những câu hát đồng dao dù rõ nghĩa hay vô nghĩa, nhiều khi chỉ cốt vần vè nhưng luôn đem lại sự thích thú cho con trẻ, chứa đựng cái nhìn hồn nhiên trước cuộc đời. Đáng tiếc, bây giờ nhiều người gần như lãng quên đồng dao; trong các giờ học ngoại khóa, các trường cũng không dạy các bài đồng giao hay trò chơi gắn với đồng dao. Nhà văn hóa Võ Khoa Châu bày tỏ: “Trở về với đồng dao, trái tim ta trở về với niềm hứng khởi nguyên sơ và ngời sáng. Khi người ta còn nhớ về tuổi thơ là còn có thể sống tốt đẹp. Thế hệ chúng tôi, biết bao người gắn kết với nhau qua những bài hát đồng dao, để rồi mấy mươi năm sau gặp lại vẫn còn nhắc nhớ. Với tôi, đồng dao chính là quê hương, văn hóa truyền thống, là tình bạn bền chặt keo sơn”.


THÀNH NGUYỄN