11:07, 17/07/2017

Làm việc với ADB về dự án nâng cao năng lực thủy lợi

Sáng 17-7, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo các sở, ngành làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về dự án "Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán".

Sáng 17-7, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo các sở, ngành làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán”.


Được biết, tham gia dự án này, Khánh Hòa có tiểu dự án “Cải tạo, nâng cấp kênh chính nam hồ chứa Cam Ranh và kênh chính hồ chứa Suối Dầu”, được chia làm 3 hợp phần. Trong đó, UBND tỉnh Khánh Hòa là chủ quản của 2 hợp phần: nâng cao hiệu quả và bền vững trong cung cấp nước thông qua đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa công trình thủy lợi và triển khai áp dụng tưới tiết kiệm nội đồng.


2 hợp phần này sẽ sửa chữa, nâng cấp 3 tuyến kênh chính của 2 hồ chứa nước Cam Ranh và Suối Dầu cùng các công trình trên kênh, lắp đặt hệ thống bơm và đường ống chia nước để phục vụ tưới cho gần 2.500ha xoài tập trung và tạo nguồn tưới cho trên 1.500ha xoài phân tán tại Cam Ranh và Cam Lâm. Ngoài ra, còn cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp với công suất 66.800m3 ngày đêm, thực hiện tưới cho khoảng 2.000ha lúa, hoa màu của 2 địa phương này. Tổng mức đầu tư hợp phần 2 và 3 là 368,604 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ nguồn ADF của ADB là trên 340 tỷ đồng (lãi suất 2%/năm), nguồn vốn đối ứng của tỉnh khoảng 28 tỷ đồng.


Tại buổi làm việc, ADB đề nghị tỉnh đánh giá chi tiết về điều kiện cấp nước của các hồ chứa này trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Đồng thời cam kết về vốn đối ứng và khả năng trả nợ.


Ông Đào Công Thiên cho biết: UBND tỉnh đã hoàn tất việc chuẩn bị vốn đối ứng; đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính về cơ chế tài chính và khả năng trả nợ. Về ảnh hưởng của dự án đối với đời sống, sản xuất của người dân, dự án sẽ tác động đến 687 hộ gia đình. Cụ thể, sẽ có 11ha đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ tiểu dự án. Dự kiến chi phí đền bù, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 10 tỷ đồng, được lấy từ nguồn đối ứng của tỉnh.


Theo kế hoạch, toàn bộ các thủ tục pháp lý sẽ được các bên liên quan hoàn thiện trong thời gian tới để đến tháng 11-2017, hoạt động đàm phán Hiệp định vay vốn được tiến hành, làm cơ sở cho việc triển khai dự án vào năm 2018.


H.Đ