10:07, 16/07/2017

Khi các anh trở về!

Tại lễ khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) diễn ra ngày 15-7, mọi người đã chứng kiến giây phút nghẹn ngào, xúc động của những người thân khi đến dự lễ…

 

Tại lễ khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) diễn ra ngày 15-7, mọi người đã chứng kiến giây phút nghẹn ngào, xúc động của những người thân khi đến dự lễ…


Sau lễ dâng hương, hoa và cắt băng khánh thành, gần 300 đại biểu từ các tỉnh, thành phố, thân nhân, cựu chiến binh đã đến tham quan khu bảo tàng ngầm - nơi đang lưu giữ, bảo quản những kỷ vật của 64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988. Vừa bước chân vào khu bảo tàng, bà Võ Thị Á (75 tuổi, ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) - mẹ liệt sĩ Phạm Văn Tý đã bật khóc khi nhìn thấy hình ảnh con mình. Đưa tay vuốt nhẹ lên di ảnh con trai, bà Á nghẹn ngào gọi tên con: “Tý ơi, đã 29 năm rồi, mẹ con xa cách. Ngày con đi, con đã hứa với mẹ rằng, sau 3 năm hoàn thành nhiệm vụ, con sẽ về bên mẹ, vậy mà!”.


Bà Hà Thị Liên (87 tuổi, ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) - mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương áp má vào di ảnh con trai rồi đưa 2 bàn tay chai sạm, nhăn nheo lần theo từng chi tiết trên khuôn mặt con mình. Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng bà Liên vẫn quyết tâm từ Hà Tĩnh vào đây để được đón anh linh của con trai về với khu tưởng niệm. Mắt đã mờ, bà phải cúi sát vào di ảnh để nhìn rõ mặt con. Bà Liên nghẹn ngào nói: “Nhà có 6 người con, Cương là con thứ 5 trong gia đình. Hồi còn ở nhà, Cương rất ngoan, chăm chỉ, học giỏi nên được mọi người quý mến. Khi vào quân ngũ, Cương thường xuyên được đơn vị khen ngợi vì luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Kể đến đây, giọng bà Liên bỗng nghẹn lại: “Ngày Cương lên tàu ra Gạc Ma và bảo rằng, sau chuyến đi này sẽ về thăm nhà, vậy mà từ năm ấy, con đi mãi cho đến giờ vẫn chưa về thăm quê, thăm mẹ”.

 

Những kỷ vật của liệt sĩ Gạc Ma được người thân trao tặng lại  cho Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Những kỷ vật của liệt sĩ Gạc Ma được người thân trao tặng lại cho Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma


Bên cạnh tấm lòng của những người mẹ, chúng tôi còn bắt gặp cả nỗi nhớ nhung của những người vợ khi nhìn lại những kỷ vật của chồng mình. Một trong số các gia đình chiến sĩ Gạc Ma tặng kỷ vật cho khu tưởng niệm là chị Đỗ Thị Hà (phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh), vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh. Đã mấy chục năm giữ kỷ vật bên mình, nên khi nhìn thấy tấm ảnh cưới cũ sờn của mình tại khu tưởng niệm, chị Hà khóc òa như một đứa trẻ vì nhớ chồng. Chị Hà xúc động cho biết: “Vậy là từ nay, gia đình chúng tôi đã có nơi lui tới để thắp nén hương cho con, chồng, cha rồi. Nơi đây sẽ mãi là địa chỉ ghi dấu lịch sử, nơi tưởng nhớ các anh đã hy sinh vì đất nước, mãi lưu truyền đến đời con, đời cháu mai sau nữa”.

 

Còn chị Trần Thị Thu Hà (quê Hà Nam), con gái liệt sĩ Trần Đức Thông chia sẻ: “Cảm ơn các cấp, ngành, tổ chức công đoàn đã quan tâm xây dựng một tượng đài trong lòng dân tộc trang nghiêm, đẹp ngời như thế. Bản thân là con của liệt sĩ, tôi thật sự xúc động, không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn. Vậy là từ nay, cha tôi và các đồng đội của ông đã có chốn đi - về ấm áp. Những người ở lại sẽ có nơi lui tới thắp những nén hương”.

 

Bà Võ Thị Á nghẹn ngào bên di ảnh con trai

Bà Võ Thị Á nghẹn ngào bên di ảnh con trai

 

Trong buổi lễ, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã sinh ra những người con ưu tú cho Tổ quốc. Ông cũng cảm ơn các đồng chí thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ có công với đất nước đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc. “Thật hiếm có công trình tưởng niệm nào mà tiếp nhận được nhiều tấm lòng tự nguyện của các tổ chức, cá nhân như vậy. Có thể nói, công trình này là sự hội tụ những tấm lòng của dân tộc hướng về 64 bông hoa biển bất tử. Từ công trình này, tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động đoàn viên công đoàn, người lao động, nhân dân, doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài đóng góp kinh phí để xây dựng Tượng đài nghĩa sĩ Hoàng Sa (tại Lý Sơn, Quảng Ngãi) và tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma”, ông Hải nói.


VĂN GIANG