11:05, 08/05/2016

Những dấu mốc quan trọng

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Thi hành án dân sự (19-7-1946 - 19-7-2016), Báo Khánh Hòa mở chuyên mục tuyên truyền về lịch sử phát triển, các hoạt động và thành tựu của ngành Thi hành án dân sự Khánh Hòa để bạn đọc theo dõi. 

L.T.S: Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Thi hành án dân sự (19-7-1946 - 19-7-2016), Báo Khánh Hòa mở chuyên mục tuyên truyền về lịch sử phát triển, các hoạt động và thành tựu của ngành Thi hành án dân sự Khánh Hòa để bạn đọc theo dõi.  


Sau hơn 3 năm thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự (THADS), nhiều quy định về thủ tục thi hành án đã thể hiện được quan điểm cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc, tồn tại trong công tác THADS, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả công tác THADS. Tuy nhiên, so với đòi hỏi thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, pháp lệnh này đã bộc lộ hạn chế, bất cập, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan trong thi hành án; cơ chế quản lý, mô hình tổ chức cơ quan thi hành án chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc được giao; quyền hạn của cơ quan thi hành án, chấp hành viên chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa THADS với thi hành án phạt tù, đặc biệt là các vụ án hình sự có bồi thường thiệt hại; chưa tạo ra cơ sở pháp lý để xã hội hóa hoạt động THADS… Các hạn chế, bất cập này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng án dân sự tồn đọng. Do vậy, ngày 14-11-2008, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật THADS, có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Ngày 9-9-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 74 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và công chức làm công tác THADS. Điều 2 Nghị định số 74 quy định, hệ thống tổ chức THADS (trừ hệ thống tổ chức THADS trong quân đội) được quản lý và tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện. Ở Trung ương, Tổng cục THADS là cơ quan quản lý THADS trực thuộc Bộ Tư pháp. Ở cấp tỉnh, Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Cục THADS tỉnh) là cơ quan THADS trực thuộc Tổng cục THADS. Ở cấp huyện, Chi cục THADS huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chi cục THADS huyện) là cơ quan THADS trực thuộc Cục THADS tỉnh. Tổng cục THADS, cơ quan THADS địa phương có tư cách pháp nhân, con dấu, trụ sở và tài khoản riêng.


Như vậy, kể từ ngày 1-11-2009, Cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp được nâng thành Tổng cục THADS, có nhiệm vụ tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành về THADS theo quy định của pháp luật.

 

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, công tác thi hành án dân sự (THADS) được chính quyền cách mạng đặc biệt quan tâm, các cơ quan THADS đã từng bước khẳng định vị trí và vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Lịch sử 70 năm hình thành và phát triển các cơ quan THADS có nhiều dấu mốc quan trọng với 2 giai đoạn phát triển: từ sau Cách mạng tháng Tám đến năm 1993 và từ năm 1993 đến nay.


Trước năm 1993, công tác THADS do tòa án nhân dân các cấp đảm nhiệm và tổ chức thi hành. Tháng 10-1992, Quốc hội khóa IX đã thông qua nghị quyết bàn giao công tác THADS từ tòa án các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Ngày 21-4-1993, Pháp lệnh THADS ra đời và có hiệu lực từ ngày 1-6-1993. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 30 ngày 2-6-1993 về quản lý nhà nước, theo đó, các cơ quan THADS cũng được hình thành. Công tác THADS có sự thay đổi lớn cả về tổ chức và hoạt động. Ở Trung ương, Cục Quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp, ở cấp tỉnh có Phòng THADS thuộc Sở Tư pháp, ở cấp huyện có Đội THADS thuộc Phòng Tư pháp. Việc chuyển giao công tác THADS sang cơ quan thuộc Chính phủ phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp đã và đang được tiến hành ở nước ta, nhằm thống nhất quản lý công tác THADS vào Chính phủ, tạo điều kiện để tòa án tập trung xét xử theo quy định của Hiến pháp năm 1992.


Việc Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác THADS và tổ chức THADS trong phạm vi cả nước không đơn thuần là sự thay đổi về cơ chế quản lý, chuyển giao nhiệm vụ từ ngành này sang ngành khác, mà đòi hỏi ngành Tư pháp phải xây dựng từ đầu hệ thống cơ quan THADS cả về tổ chức, bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất cũng như xây dựng, hoàn thiện pháp luật về THADS.


Ngày 14-1-2004, Pháp lệnh THADS năm 2004 được ban hành, thay thế Pháp lệnh THADS năm 1993; Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 50 ngày 11-4-2005 về cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và cán bộ, công chức làm công tác THADS. Theo đó, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về THADS; chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp huyện trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án. Hệ thống các cơ quan THADS được đổi tên thành THADS cấp tỉnh, THADS cấp huyện; giám đốc Sở Tư pháp được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ủy quyền một số mặt công tác tổ chức cán bộ đối với THADS cấp tỉnh, THADS cấp huyện.

 

Ở Khánh Hòa, trước năm 1993, công tác thi hành án dân sự (THADS) do Tòa án nhân dân các cấp đảm nhiệm và tổ chức thi hành với hệ thống gồm: Phòng THADS thuộc Sở Tư pháp và đội THADS thuộc phòng tư pháp cấp huyện. Tháng 7-1993, Phòng THADS tỉnh, 5 đội THADS (Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Ranh) đã được thành lập. Tháng 8-1994, thành lập thêm 2 đội THADS ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.


Thời gian đầu, toàn tỉnh có 17 cán bộ, công chức, trong đó có 12 chấp hành viên, chỉ 8% chấp hành viên có trình độ tương đương đại học luật. Đến năm 2002, toàn tỉnh có 56 cán bộ, công chức (trong đó có 26 chấp hành viên), 42 người có trình độ đại học. Đến tháng 12-2002, do một số lãnh đạo đội THADS được địa phương rút sang làm công tác khác nên có tới 4 đơn vị (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Cam Ranh) không có đội trưởng, đội phó; ở Vạn Ninh cũng chỉ có đội phó. Cuối năm 2005, công tác tổ chức cán bộ càng khó khăn hơn: 6 cơ quan THADS không có trưởng thi hành án (gồm: THADS tỉnh và các đội THADS: Cam Ranh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh). Ngày 15-5-2007, Bộ Tư pháp quyết định thành lập thêm Đội THADS huyện Cam Lâm, nhu cầu lãnh đạo cơ quan thi hành án lại càng cấp thiết hơn.


Ngày 10-3-2006, Sở Tư pháp ra quyết định tiếp nhận và phân công Chánh Thanh tra huyện Vạn Ninh về nhận nhiệm vụ quyền trưởng cơ quan THADS tỉnh. Sau khi được bổ nhiệm, cơ quan THADS tỉnh đã kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng thời chỉ đạo tập trung tổ chức thi hành án đúng quy định pháp luật. Từ đây, các cơ quan THADS từ cấp tỉnh đến cấp huyện từng bước được củng cố, kiện toàn tổ chức.


Qua gần 4 năm (2006 - 2009), từ đơn vị có thời điểm không chấp hành viên, không lãnh đạo, cơ quan THADS tỉnh đã có 3 lãnh đạo, 19 cán bộ, công chức với 7 chấp hành viên, 2 thẩm tra viên và 10 chuyên viên, cán bộ; được cơ cấu thành 3 phòng: Tổ chức, hành chính, tổng hợp và tài vụ; Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án; Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cơ quan THADS huyện gồm 8 đơn vị với 64 người, trong đó có 33 chấp hành viên, 7 thẩm tra viên. Các đơn vị đều có trưởng cơ quan thi hành án (riêng cơ quan THADS Cam Lâm có quyền trưởng cơ quan). Toàn ngành có 58 cử nhân luật, 8 cử nhân kinh tế, kế toán, 17 người có trình độ cao đẳng, trung cấp; 1 cử nhân chính trị, 2 cao cấp chính trị, 5 trung cấp chính trị, từng bước đáp ứng nhiệm vụ THADS và cải cách tư pháp.

 

Từ năm 2009, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự (THADS) cấp tỉnh được tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Cục THADS tỉnh (trực thuộc Tổng cục THADS) đến các chi cục THADS cấp huyện.


Những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2015, với sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo Cục THADS tỉnh, tổ chức bộ máy, công tác THADS đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Tính đến ngày 31-3-2016, toàn tỉnh có 13 đơn vị THADS, gồm 5 phòng chuyên môn thuộc Cục THADS tỉnh và 8 chi cục THADS cấp huyện với 113 biên chế; trong đó, có 7 chấp hành viên trung cấp, 44 chấp hành viên sơ cấp, 4 thẩm tra viên, 19 thư ký thi hành án và 39 cán bộ, công chức khác. 8/8 chi cục cấp huyện đã được bổ nhiệm chi cục trưởng, 7/8 đơn vị đã có phó chi cục trưởng.


Cục THADS tỉnh cũng cơ bản thực hiện xong các bước quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2021. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, cục đã điều động và bổ nhiệm 5 công chức giữ chức vụ lãnh đạo; điều động vị trí công tác 6 người; lấy ý kiến cấp ủy về việc điều động, bổ nhiệm 2 công chức giữ chức vụ lãnh đạo.


Cục THADS tỉnh đã cử 7 người tham gia lớp bồi dưỡng ngạch chấp hành viên trung cấp; 12 người dự tập huấn triển khai các nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành và kỹ năng rà soát, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; 2 người học cao cấp lý luận chính trị; 5 người dự thi chấp hành viên sơ cấp, 5 người dự thi chấp hành viên trung cấp. Đồng thời, có văn bản đề nghị Sở Nội vụ tạo điều kiện cho 3 trường hợp được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên; lập danh sách cử 13 người đi đào tạo nghiệp vụ thi hành án năm 2016.


Nhờ đó, công tác THADS của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, kỹ năng quản lý, chỉ đạo điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý từ cục đến các chi cục có tiến bộ; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường; ý thức trách nhiệm, nề nếp làm việc của cán bộ, công chức có chuyển biến, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao. Công tác tổ chức cán bộ, xây dựng ngành ngày càng được hoàn thiện. Công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo, thống kê tổng hợp, tài chính kế toán đi vào nề nếp.


N.V


(Còn nữa)