12:09, 22/09/2015

Những định hướng, giải pháp cụ thể của các ngành, các đơn vị

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Khánh Hòa quyết tâm phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, các ngành, các đơn vị đã có những định hướng, giải pháp cụ thể.

Lời Tòa soạn: Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Khánh Hòa quyết tâm phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, các ngành, các đơn vị đã có những định hướng, giải pháp cụ thể.
 

Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Từng bước hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ

 

Trong giai đoạn 2015 - 2020, đối với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, mục tiêu đầu tư của tỉnh là từng bước hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tập trung hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm như: đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng; trục đường Bắc - Nam; đường Phong Châu; khu trung tâm - đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang; đường băng số 2 Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; mở rộng TP. Nha Trang về phía tây, phía nam theo quy hoạch được phê duyệt... để góp phần tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Do nguồn vốn ngân sách hạn chế nên cũng cần tiếp cận vốn ODA thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng cường thực hiện các dự án công tư...


Đối với nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, trong thời gian tới, tỉnh cần tăng cường thu hút có định hướng, chọn lọc vào các lĩnh vực quan trọng như: công nghiệp lọc hóa dầu, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, cần tập trung thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đã đến tỉnh khảo sát, đặt vấn đề thực hiện các dự án đầu tư, nhất là đầu tư vào 3 vùng kinh tế trọng điểm.


Theo tôi, sắp tới, cần nhanh chóng nghiên cứu và tổ chức thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 để thực hiện trình tự thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách theo hướng giảm thiểu các khó khăn khi thực hiện; cần xây dựng, ban hành quy định về chế độ báo cáo, kiểm tra tình hình thực hiện các dự án đầu tư; tổng hợp thông tin kịp thời, đánh giá đúng tình hình để đề xuất kịp thời các giải pháp điều hành quản lý đầu tư. Ngoài ra, cần chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, mặt bằng cho các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh; cần rà soát, xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm, môi trường đầu tư đến các đối tác trong và ngoài nước. Phấn đấu trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 198.650 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 22.635 tỷ đồng, gấp 2,14 lần so với giai đoạn 2010 - 2015 và chiếm 11,39% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.


VĂN KỲ (ghi)

 

Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Phát triển hệ thống trường phổ thông công lập chất lượng cao
 

5 năm tới, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới căn bản công tác quản lý GD-ĐT. Trong đó, tiếp tục rút kinh nghiệm và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 43 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn thi hành; vừa đảm bảo quyền lợi của tập thể, cán bộ, giáo viên, nhân viên, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT một cách mạnh mẽ, thiết thực. Bên cạnh đó, tập trung công khai kịp thời và rộng rãi những quy trình, kết quả của các việc nhạy cảm, dễ dẫn tới tiêu cực, nhũng nhiễu như: quy hoạch, luân chuyển cán bộ quản lý, thuyên chuyển, tuyển dụng giáo viên, tuyển sinh các lớp đầu cấp... để mọi người biết và kiểm tra, giám sát.


Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT. Trong đó, tiếp tục giữ vững và phát huy kết quả về phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả xóa mù chữ cho người lớn, kết quả phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập GD THCS; tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và THPT; đa dạng hóa các phương thức học tập nhằm đáp ứng nhu cầu và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, công tác GD thể chất, chăm sóc sức khỏe của học sinh. Tiếp tục tập trung đầu tư phát triển Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và các trường phổ thông dân tộc nội trú; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường THPT: Bắc Khánh Vĩnh, Bắc thị xã Ninh Hòa, Nam Nha Trang và các trường học khác theo quy hoạch để giải quyết tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Ngành cũng sẽ xây dựng đề án và đầu tư phát triển hệ thống trường phổ thông công lập chất lượng cao các cấp để tích cực tạo nguồn cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hợp lý để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập; đổi mới cơ bản và mạnh mẽ phương pháp dạy học, có biện pháp nâng cao hiệu quả việc kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng GD ở tất cả cơ sở trường học, tổ chức thi cử nghiêm túc, coi đây là đòn bẩy để nâng cao chất lượng, hiệu quả GD và là một trong những giải pháp cơ bản để chống tiêu cực và bệnh thành tích trong ngành GD.


K.D (ghi)



Ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng:Định hướng phát triển Khánh Hòa thành đô thị dịch vụ quốc tế

 

Trong nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ quy hoạch đô thị sẽ định hướng phát triển Khánh Hòa thành đô thị dịch vụ quốc tế. Việc xác định tính chất, chức năng của đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển đô thị. Trong đó, Nha Trang được định hướng phát triển trở thành đô thị du lịch tầm cỡ quốc tế, các địa phương còn lại sẽ làm vệ tinh cho TP. Nha Trang.


Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng nét đặc trưng kiến trúc cảnh quan của các đô thị nhỏ trong toàn đô thị Khánh Hòa. Tỉnh phát triển thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương không phải là siêu đô thị, mà là tập hợp đô thị trên cơ sở kết nối giao thông, viễn thông, hạ tầng, không gian xanh, mặt nước... Dựa vào đặc điểm tự nhiên, thời gian tới, Khánh Hòa sẽ phát triển hệ thống đô thị ven biển gồm có: Cam Ranh, Cam Lâm, Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh. Nha Trang sẽ là trung tâm các đô thị của tỉnh, làm động lực cho các đô thị khác phát triển theo hướng đô thị du lịch biển đảo, thương mại dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp. Cam Ranh phát triển theo hướng đô thị công nghiệp, dịch vụ hàng hải quốc tế, hàng không, du lịch, nghỉ dưỡng. Cam Lâm phát triển theo hướng đô thị dịch vụ du lịch cao cấp, casino, nghỉ dưỡng. Ninh Hòa và Vạn Ninh phát triển đô thị công nghiệp, đặc khu kinh tế, dịch vụ cộng đồng. Diên Khánh sẽ phát triển đô thị du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng. Khánh Sơn và Khánh Vĩnh phát triển đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái.


Cụ thể, tại khu vực Nha Trang sẽ xây dựng dải đô thị và hệ thống công viên dọc bờ biển Nha Trang từ đèo Cù Hin đến mũi Kê Gà, trở thành bộ mặt của thành phố với những dịch vụ cảnh quan sang trọng, hiện đại. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2015 - 2020, sẽ xây dựng khu đô thị - công viên tại khu trung tâm hành chính tỉnh; sớm đầu tư khu trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang tại sân bay Nha Trang để kết nối đông - tây Nha Trang; phát triển du lịch sinh thái vịnh Nha Trang, lấy Hòn Mun làm trung tâm với các dịch vụ lặn biển thân thiện. Tại khu vực Diên Khánh sẽ xây dựng khu du lịch Thành cổ Diên Khánh trên cơ sở tôn tạo, phục dựng các dinh thự cổ, nhà cổ, ẩm thực, nghỉ dưỡng và kết nối với Am Chúa, suối Đổ, Văn Miếu, đền Trần Quý Cáp, đền Trịnh Phong thành các điểm du lịch tâm linh. Tại khu Cam Lâm - Cam Ranh sẽ xây dựng khu đô thị phía nam Cam Ranh kết nối du lịch Cam Bình, đẩy nhanh đầu tư khu đô thị ven biển Cam Ranh, xây dựng Cảng Ba Ngòi thành cảng trung chuyển hàng hóa. Ngoài ra, sẽ xây dựng khu nghỉ dưỡng Hòn Bà, tuyến cáp treo lên đỉnh Hòn Bà; phát triển khu du lịch đầm Thủy Triều... Tại khu vực Ninh Hòa - Vạn Ninh sẽ xây dựng thành khu đô thị du lịch công nghiệp với Khu kinh tế Vân Phong phát triển điện sạch, điện gió, dịch vụ thương mại, phát triển kinh tế biển...; xây dựng khu đô thị Vạn Giã, khu kinh tế tổng hợp Đầm Môn, phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, sinh thái...


Muốn thực hiện được các mục tiêu trên, các địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể làm tiền đề phát triển đô thị, xác định được các dự án động lực để ưu tiên.


V.K (ghi)



Ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ngành Du lịch hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

 

Để ngành Du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng đến phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian đến, ngành Du lịch Khánh Hòa quan tâm đến nhiều vấn đề. Trong công tác quy hoạch và phát triển sản phẩm du lịch phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị tài nguyên du lịch. Xây dựng Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh trở thành khu du lịch quốc gia có tầm cỡ, tạo điểm nhấn để xây dựng thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa có sức cạnh tranh cao.


Về phát triển sản phẩm, xây dựng dịch vụ ngâm tắm bùn khoáng thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Khánh Hòa, hướng đến phát triển thành sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và kết hợp trị bệnh. Xây dựng, đưa vào hoạt động các chương trình tham quan mang tính đặc thù của địa phương. Tăng cường các trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí hiện đại, nhất là các điểm vui chơi giải trí về đêm để phục vụ khách du lịch. Hình thành các khu chợ đêm tổ chức giới thiệu, phục vụ khách du lịch các món ăn truyền thống, đặc sản của Khánh Hòa. Bên cạnh đó, tăng cường công tác xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm để giới thiệu, quảng bá; tăng cường công tác an ninh trật tự xã hội, an toàn cho khách du lịch, bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức và văn minh ứng xử của người dân, với phương châm “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch”.


N.T (ghi)



Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Triển khai một số công trình trọng điểm

 

Giai đoạn 2015 - 2020, ngành Giao thông vận tải tỉnh đề ra một số nhiệm vụ chính như: Triển khai Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn; tham mưu UBND tỉnh tiến hành điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tỉnh giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định hiện hành. Ngành cũng thực hiện tốt chất lượng quản lý công trình với tinh thần có kinh phí tới đâu làm chắc tới đó, không chạy theo số lượng, nhất là lưu ý việc xử lý thoát nước.


Trong 5 năm tới, ngành sẽ phối hợp với các chủ đầu tư triển khai một số công trình trọng điểm như: dự án cải tạo nâng cấp tuyến Quốc lộ 26B (thị xã Ninh Hòa) từ Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin đến giao Quốc lộ 1A dài 14km; dự án trục đường Bắc Nam - khu trung tâm hành chính mới của tỉnh với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng dài 6,3km; dự án đường vành đai TP. Nha Trang, đoạn từ cầu Bình Tân đến đường 23-10 dài 6,5km; dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 3 (đoạn từ Nghĩa trang Phước Đồng đến Quốc lộ 1A) dài 9,6km với tổng mức đầu tư 286 tỷ đồng; dự án cầu Long Hồ dài 4,2km với tổng mức đầu tư 3.371 tỷ đồng; dự án nút giao thông Ngọc Hội (đường 23-10, TP. Nha Trang)...


Ngoài ra, ngành tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải; tiếp tục triển khai kế hoạch siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; chủ động, tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải thủy nội địa, phối hợp với các địa phương duy trì đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy. Ngành cũng nâng cao chất lượng quản lý đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe; triển khai cấp đổi giấy phép lái xe quốc tế và đẩy mạnh việc cấp đổi giấy phép lái xe theo cấp độ 3; triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, bộ chuyên ngành và của UBND tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; thực hiện tốt hoạt động quản lý hành chính theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001 - 2008, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của tổ chức, công dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành cũng thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Phấn đấu giảm sâu tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương...


M.Hùng (ghi)



Ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế: Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
 

Từ nay đến năm 2020, ngành Y tế tập trung phấn đấu đạt một số chỉ tiêu như: tỷ lệ tăng dân số ở mức 1%; đạt 32 giường bệnh/1 vạn dân (không tính giường của trạm y tế); 8 bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 9%; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đủ 7 loại vắc xin...


Để đạt các mục tiêu trên, ngành Y tế đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, tập trung nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở, dự phòng; tiếp tục hoàn thiện mạng lưới khám, chữa bệnh các tuyến; thành lập Bệnh viện Ung bướu, Sản Nhi, Bệnh viện Nhiệt Đới, mở rộng Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, xây mới Trung tâm Y tế Cam Ranh và các đội y tế dự phòng... Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện tốt các tiêu chí quốc gia về y tế xã, phát triển đội ngũ y tế thôn bản, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, phòng, chống HIV/AIDS, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - kế hoạch hóa gia đình, truyền thông giáo dục sức khỏe theo hướng chủ động. Ngoài ra, ngành chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng với phương châm: lấy người bệnh làm trung tâm, tăng năng lực quản lý ở bệnh viện, giáo dục y đức, quy chế ứng xử cho cán bộ y tế...


Song song đó, ngành Y tế phát triển nhân lực theo hướng: tiếp tục đào tạo hệ cử tuyển, theo địa chỉ, đào tạo bác sĩ, dược sĩ hệ tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi và có chính sách thu hút cán bộ y tế làm việc lâu dài ở những nơi này. Đối với tuyến tỉnh và tuyến huyện, tiến hành đào tạo sau đại học, đào tạo ở nước ngoài các lĩnh vực, chuyên ngành mà Việt Nam chưa có điều kiện đào tạo để tạo nguồn cán bộ y tế chất lượng cao. Bên cạnh đó, ngành sẽ mở rộng các phương thức trả trước và chia sẻ rủi ro trong khám bệnh, chữa bệnh thông qua phát triển bảo hiểm y tế toàn dân; mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; gắn việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, lộ trình cải cách tiền lương; thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ, đảm bảo phù hợp với trình độ chuyên môn, chất lượng dịch vụ ở từng tuyến và khả năng chi trả của nhân dân...


T.L (ghi)


Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Công Thương: Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cụm công nghiệp

 

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Công Thương tỉnh phấn đấu tốc độ tăng bình quân GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của ngành công nghiệp - xây dựng là 8,97%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 15,5%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 2 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 10%/năm. Để đạt các mục tiêu này, ngành cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu như: Trong lập Quy hoạch phát triển công nghiệp cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng lựa chọn các địa điểm, vị trí thuận lợi về: giao thông, giải phóng mặt bằng, cung ứng điện, nước... để làm cơ sở thu hút các nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; các sở, ban, ngành chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, bố trí vốn ngân sách để hỗ trợ đầu tư các cụm công nghiệp ở địa bàn khó khăn. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công và đưa vào hoạt động các dự án: Tổ hợp lọc hóa dầu Petrolimex, Nhà máy nhiệt điện Sumitomo, Nhà máy Bia Sài Gòn... để tạo năng lực sản xuất mới.


Trong lĩnh vực thương mại, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Chủ động tuyên truyền, phổ biến các kiến thức liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp, cơ quan trong tỉnh. Đặc biệt, tập trung các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam đã và sẽ ký kết nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ lợi thế để khai thác có hiệu quả từ các thị trường đã ký kết FTA. Tăng cường công tác quản lý thị trường, thực hiện tốt việc chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chống các hành vi gian lận thương mại... Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục đẩy mạnh theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết cho doanh nghiệp nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư...


BÍCH LA (ghi)



Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa: Tập trung nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội

 

Mục tiêu hoạt động của ngành Ngân hàng là phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành tiếp tục tập trung nguồn vốn đầu tư, phát triển có hiệu quả 4 chương trình kinh tế - xã hội và 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh gắn với thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; khai thác tiềm lực kinh tế biển một cách đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể: tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ các mô hình sản xuất có hiệu quả, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tiếp tục giữ vững và nâng cao mức độ đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới nhằm thay đổi diện mạo nông thôn Khánh Hòa so với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.


Đồng thời, ngành tiếp tục thực hiện các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về đầu tư phục vụ phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp; phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các giải pháp đầu tư vốn để đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tập trung đầu tư phục vụ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trước mắt, sẽ phối hợp với các sở, ngành, chính quyền cơ sở trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với các hộ mới thoát nghèo nhằm tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo bền vững.


K.N (ghi)