11:09, 22/09/2015

Nhiều đề xuất tâm huyết gửi tới Đại hội

Lời Tòa soạn: Trong ngày 22-9, Đại hội đã thảo luận dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Báo Khánh Hòa xin trích đăng nội dung tham luận của một số địa phương, đơn vị về những nhiệm vụ, giải pháp và nội dung đề xuất.

Lời Tòa soạn: Trong ngày 22-9, Đại hội đã thảo luận dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Báo Khánh Hòa xin trích đăng nội dung tham luận của một số địa phương, đơn vị về những nhiệm vụ, giải pháp và nội dung đề xuất.

 
Ông Lê Quang Thắng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nha Trang: Phấn đấu xây dựng TP. Nha Trang trở thành đô thị trung tâm, văn minh, hiện đại

 

TP. Nha Trang là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, cũng là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa.

 

Trong những năm qua, thành phố đã tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng và quản lý đô thị. Trên địa bàn thành phố, nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn được triển khai xây dựng như: tuyến đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng, đường Phong Châu, dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc và sông Quán Trường, dự án Hệ thống thoát lũ từ cầu đường sắt Phú Vinh về đầu sông Tắc, dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang, hoàn chỉnh hệ thống công viên bờ biển, hoàn thành đường và kè sông Cái giai đoạn 1; nhiều khách sạn, khu du lịch lớn triển khai xây dựng và hoàn thành; một số khu đô thị mới hình thành... làm cho bộ mặt thành phố ngày càng khang trang, hiện đại.


Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của thành phố vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là: tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố; việc phối hợp thực hiện các nghị quyết, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên địa bàn thành phố còn một số vướng mắc nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai; nguồn vốn và giải ngân vốn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh và thành phố trong việc quản lý vịnh Nha Trang còn thiếu chặt chẽ; kết cấu hạ tầng đô thị, hệ thống giao thông, bãi đậu xe chưa đáp ứng nhu cầu phát triển thành phố.


Nhiệm kỳ tới, để TP. Nha Trang phát triển kinh tế hài hòa, bền vững; xây dựng Nha Trang thật sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; đồng thời trở thành trung tâm mạnh về khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và dịch vụ; là một đô thị trung tâm góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và vùng duyên hải Nam Trung Bộ... Nha Trang quyết tâm xây dựng thành phố là địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.


Để xây dựng Nha Trang tiếp tục phát triển, thành phố đề xuất một số nội dung: Thứ nhất, chủ trương đầu tư phát triển du lịch kết hợp bảo tồn, phát huy hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa. Hình thành mạng lưới các cơ sở dịch vụ, du lịch, văn hóa chất lượng cao, đa dạng hóa các loại hình du lịch. Thứ hai, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các cụm công nghiệp để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong thành phố như cụm công nghiệp Trảng É - Phước Đồng, hoàn chỉnh cụm công nghiệp Đắc Lộc. Thứ ba, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị tạo không gian kiến trúc đồng bộ, hiện đại. Mở rộng thành phố về phía tây, phía nam theo quy hoạch; hình thành các khu đô thị mới đa chức năng phù hợp với yêu cầu phát triển thành phố trong tương lai như: khu trung tâm hành chính tỉnh; khu trung tâm đô thị, thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang; khu trung tâm văn hóa; khu đô thị sinh thái phía tây sông Quán Trường; triển khai việc chuyển đổi công năng Cảng Nha Trang thành cảng hành khách và tổ hợp dịch vụ phát để phát triển du lịch - dịch vụ.


Thứ tư, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái phát triển thành phố theo hướng bền vững. Nâng cao chất lượng các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và truyền thanh. Hoàn thành việc xây dựng các bệnh viện chất lượng cao, các trường đại học, cao đẳng và THPT trên địa bàn. Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp hoặc ủy quyền quản lý cho TP. Nha Trang đối với một số lĩnh vực; cho phép thành phố được quyết định các chủ trương, biện pháp nhằm khuyến khích thúc đẩy, mở rộng hình thức xã hội hóa đối với một số các hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao trên địa bàn phù hợp với điều kiện và năng lực quản lý của chính quyền địa phương; tăng mức đầu tư cho ngân sách thành phố, bảo đảm điều kiện cho Nha Trang hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo hướng văn minh, hiện đại, sớm hiện thực là đô thị trung tâm.


Ông Nguyễn Trọng Hòa, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong: Giải pháp thu hút đầu tư để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Khu kinh tế Vân Phong

 

Khu kinh tế (KKT) Vân Phong là 1 trong 15 KKT ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, có quy mô diện tích lớn nhất nước hiện nay (150.000ha gồm 70.000ha mặt đất và 80.000ha mặt nước). Đây là KKT có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi; có vị trí địa kinh tế, chiến lược quan trọng đối với trong nước và khu vực.


Với những điều kiện thuận lợi cùng những giải pháp thu hút phù hợp, giai đoạn 2007 - 2014, KKT Vân Phong đã thu hút mới 122 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký tương đương 3,22 tỷ USD và 15 dự án khác đã được thỏa thuận chủ trương với số vốn 11,2 tỷ USD. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, KKT Vân Phong chưa thể phát triển như kỳ vọng. Dù vậy, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với những nỗ lực của Ban quản lý, các địa phương và sự hỗ trợ từ các sở, ngành liên quan, KKT Vân Phong vẫn nhận được sự quan tâm của Chính phủ và tiếp tục có sức thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 380 ngày 17-3-2014 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2030 để có thể tiếp nhận, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn tại khu vực phía nam KKT. Bộ Chính trị đánh giá cao tiềm năng phát triển của KKT Vân Phong nên thống nhất đề xuất của tỉnh cho phép xây dựng tại đây một trong 3 đặc khu kinh tế lớn của cả nước.


Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong nước cơ bản đã ổn định, tại khu vực phía nam KKT Vân Phong, nhiều tập đoàn lớn có dấu hiệu quay trở lại và quan tâm đến KKT như: Posco, Samsung (Hàn Quốc); Formosa (Đài Loan); Nippon Oil Energy (Nhật bản) đang nghiên cứu về các dự án nhiệt điện, lọc dầu, đóng tàu; nhiều tập đoàn lớn, nhiều tỷ phú của Mỹ đã tìm hiểu, đánh giá rất cao về những điều kiện tiềm năng lý tưởng của KKT Vân Phong và đề xuất nghiên cứu triển khai một số dự án lớn tại khu vực phía bắc Vân Phong. Để có thể phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh này nhằm thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư vào KKT Vân Phong trong thời gian tới, Ban quản lý đề xuất tập trung triển khai một số giải pháp:


Thứ nhất, đối với khu vực Nam Vân Phong, tập trung tối đa mọi nguồn lực phát huy thế mạnh trong việc thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển công nghiệp điện, lọc hóa dầu. Cụ thể, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án động lực sớm triển khai xây dựng để thúc đẩy sự phát triển lan tỏa khu vực nam Vân Phong, trong đó bảo đảm cho dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 hoàn tất các hợp đồng liên quan đến dự án trong năm 2015, để tiến hành khởi công xây dựng trong năm 2016 và hoàn thành trong năm 2020; đôn đốc các nhà đầu tư hoàn tất việc thỏa thuận liên doanh đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong trong cuối năm 2015; triển khai các giải pháp hỗ trợ hoàn thành xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Ninh Thủy trong năm 2017 để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp tại đây.


Bên cạnh đó, nghiên cứu, đổi mới phương thức, các giải pháp tiếp cận nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm xúc tiến một cách có hiệu quả các dự án có quy mô lớn về công nghiệp tại khu vực Ninh Tịnh và khu chức năng công nghiệp Ninh Hải. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên tập trung thực hiện nhiệm vụ đẩy nhanh xây dựng các công trình hạ tầng tại khu vực này, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, tái định cư, cấp nước; đề xuất cơ chế phù hợp huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn thu từ hoạt động trung chuyển xăng dầu để tập trung xây dựng các công trình hạ tầng trong KKT; tập trung chỉ đạo công tác đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ liên kết, phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho các dự án đầu tư sẽ triển khai trong thời gian tới.


Thứ hai, đối với khu vực Bắc Vân Phong, đề xuất Chính phủ sớm xem xét trình Bộ Chính trị thông qua Đề án thành lập “Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong tại Khánh Hòa”, tạo bước đột phá về cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn mang tính chiến lược nhằm tạo nên những thay đổi căn bản cho sự phát triển tại khu vực này. Tiếp cận, hỗ trợ, kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm phát triển thành công các đặc khu kinh tế trên thế giới để tham gia quy hoạch, xây dựng và kêu gọi các dự án đầu tư tại Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong. Bước đầu nghiên cứu xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu tại khu vực Bắc Vân Phong như tuyến giao thông chính, dự án cấp nước cho khu vực để hỗ trợ việc triển khai các dự án đầu tư tại đây.




Ông Phan Được, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Một số giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

 

Cán bộ và công tác cán bộ luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của cách mạng. Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của quá trình hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và của tỉnh Khánh Hòa nói riêng.


Để xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh có chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, tỉnh cần triển khai, thực hiện tốt một số nhóm giải pháp. Cụ thể, về nhóm giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, một là, thực hiện tốt công tác tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ cơ sở. Công tác tuyển chọn và quy hoạch cán bộ cần thực hiện khoa học, công khai, gắn với đánh giá, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ. Trên cơ sở quy hoạch, chủ động đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức mới, kỹ năng xử lý tình huống thực tế ở địa phương, đơn vị. Sau đào tạo cần bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, theo quy hoạch, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm và kết hợp với cơ chế giám sát của nhân dân trước khi tiến hành bố trí, sử dụng cán bộ. Hai là, phát huy dân chủ để nhân dân tham gia việc lựa chọn cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Ba là, hoàn thiện các chế độ, chính sách phù hợp với sự phát triển ổn định và lâu dài đối với cán bộ cơ sở. Xây dựng và ban hành các chế độ, chính sách phù hợp với hoạt động thực tiễn ở cơ sở; có chính sách ưu đãi cho cán bộ ở tỉnh, huyện được điều động hoặc luân chuyển về công tác ở các xã, phường vùng sâu, miền núi, hải đảo. Bốn là, quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt hơn để cán bộ cơ sở yên tâm công tác. Có chính sách thỏa đáng để thu hút trí thức trẻ có trình độ, năng lực về công tác tại các xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để cùng với địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, đồng thời chuẩn bị một bước tạo nguồn cán bộ.


Về nhóm giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện và tỉnh, một là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch sẽ tạo ra sự chủ động, bảo đảm tính kế thừa, phát triển, khắc phục dần tình trạng hẫng hụt trong bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ của cấp ủy các cấp phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức, từ thực trạng đội ngũ cán bộ để xây dựng, đảm bảo tính khoa học, tính kế thừa liên tục và bền vững. Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Ba là, đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Việc bố trí, sử dụng phải đúng người, đúng việc, đúng sở trường nhằm phát huy hết tài năng, tinh thần hăng hái, nhiệt tình của cán bộ. Mặt khác, phải thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong bố trí, sử dụng cán bộ; cần tránh quan niệm coi đây là công việc bí mật và chỉ lấy ý kiến của một vài người trong phạm vi hẹp làm quyết định của tập thể để bố trí, sử dụng cán bộ. Bốn là, hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công việc. Năm là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách cán bộ. Sáu là, nâng cao phẩm chất chính trị, ý thức trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, quản lý kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.  


Mỗi cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cần tự rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, khả năng chống chọi với những cám dỗ của cơ chế thị trường; cần phát huy tinh thần tự giác, tích cực tự học tập thông qua hoạt động thực tiễn. Hoàn thiện các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong giáo dục, quản lý cán bộ. Tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy cấp trên đối với cấp dưới trong việc giáo dục, quản lý và thực hiện công tác cán bộ; kịp thời kiểm tra, kết luận các vụ việc có liên quan đến cán bộ và xử lý nghiêm khi có sai phạm.




Ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn: Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

 

Khánh Sơn là huyện miền núi, dân số gần 23.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 75%, chủ yếu là dân tộc Raglai. Những năm qua, huyện Khánh Sơn luôn xác định tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi - 1 trong 4 chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh - là một nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện.


Với những cách làm phù hợp, giải pháp cụ thể và đồng bộ, huyện đã vận động, hướng dẫn các hộ đồng bào DTTS tham gia phát triển KT-XH. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng cây sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, mía tím. Qua đó, đã tạo những chuyển biến tích cực trong công tác chuyển đổi sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng tập trung, quy mô, nhiều mô hình sản xuất đã được triển khai mang lại hiệu quả cao và có tính bền vững. Đến nay, huyện đã giải ngân được 9 tỷ đồng để thực hiện các nội dung của chương trình.


Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả; các công trình giao thông vào các khu sản xuất được đầu tư xây dựng; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS số được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 98%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt gần 80%. Công tác xóa đói giảm nghèo chuyển biến theo hướng tích cực, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 40% vào năm 2010 xuống còn 17% hiện nay; thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS số là 7,2 triệu đồng/năm, bằng 76% thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện...

 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:


Một là, tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đồng bào DTTS trong việc tham gia thực hiện các chương trình, sử dụng nguồn vốn vay của Nhà nước đúng mục đích và mang lại hiệu quả.


Hai là, xây dựng và phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất hàng hóa; hỗ trợ đồng bào phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn rừng, tập trung rà soát chuyển đổi các diện tích lúa nước không hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao. Vận động đồng bào DTTS tích cực tham gia các lớp khuyến nông, khuyến lâm, tham gia hội nghị đầu bờ, thực hiện xây dựng, phát triển mô hình sản xuất giỏi, mô hình sản xuất mới nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.


Ba là, tranh thủ tối đa các nguồn vốn đầu tư của các cấp, ngành để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc và miền núi trên địa bàn của huyện.


Bốn là, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan làm công tác dân tộc, đổi mới phương pháp tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; hướng dẫn đồng bào DTTS lựa chọn mô hình thích hợp để phát triển sản xuất nhằm nâng cao đời sống, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.


Năm là, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời đánh giá kết quả thực hiện chương trình, nhân rộng mô hình, khuyến khích người dân, nhất là đồng bào DTTS có kế hoạch tiết kiệm, chống lãng phí để tái đầu tư.