03:04, 27/04/2012

Có thể ảnh hưởng tới mục tiêu hoàn thành phổ cập mầm non

Trong mấy năm nay, ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực cùng các địa phương đầu tư cho công tác giáo dục mầm non tại các địa bàn miền núi, đặc biệt đối với các cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong mấy năm nay, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã nỗ lực cùng các địa phương đầu tư cho công tác giáo dục mầm non tại các địa bàn miền núi, đặc biệt đối với các cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Có đến Khánh Sơn, Khánh Vĩnh những ngày này, mới thấy bộ mặt trường lớp mầm non đã thay đổi đáng kể, khang trang hơn trước rất nhiều; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng không thua kém gì các huyện đồng bằng về số lượng và trình độ đào tạo. Đặc biệt, 100% trường mầm non của 2 huyện miền núi đều đã tổ chức bán trú, cho trẻ ăn trưa tại trường từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 150.000 đồng/học sinh (HS) DTTS/tháng.

Tuy nhiên, sau các đợt kiểm tra thực tế các trường mầm non trên địa bàn 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh trong các tháng 3 và 4 của Sở GD-ĐT, số liệu về thể lực HS mẫu giáo khiến nhiều người phải giật mình: Có đến 27% trẻ suy dinh dưỡng - SDD (không đạt được cân nặng tối thiểu theo quy định) và 45% trẻ thấp còi (không đạt được chiều cao tối thiểu theo quy định). Riêng đối với HS mẫu giáo 5 tuổi, nghĩa là đã được chăm sóc trong các nhà trường gần 3 năm học, cũng có tới 26% trẻ bị SDD và 31% trẻ thấp còi. Có không ít trường (như Trường Mầm non Sao Mai, thị trấn Khánh Vĩnh) còn đáng báo động hơn nữa với 32,8% trẻ SDD và 52,3% trẻ thấp còi. Bà Trần Thị Lãy - Trưởng phòng Giáo dục mầm non cho rằng, số liệu trên vẫn còn thấp hơn so với đầu năm học từ 10 - 12% và nếu tính riêng HS DTTS (chiếm gần 80%) thì tỷ lệ trẻ SDD và thấp còi còn cao hơn rất nhiều. Vậy nguyên nhân của vấn đề trên là gì?

Theo các cô giáo trực tiếp nuôi dạy các cháu, hầu hết trẻ đều đi học chuyên cần, mạnh dạn, tự tin và đều được tăng cân khá rõ kể từ khi đến trường. Tuy nhiên, do đa số trẻ SDD từ trong bào thai (chế độ dinh dưỡng của bà mẹ trong thời kỳ mang thai không đảm bảo) và do chất lượng bữa ăn hàng ngày của bà con DTTS còn quá thấp, lại thiếu quan tâm chăm lo sức khỏe thường xuyên cho con em mình nên HS mẫu giáo ở 2 huyện miền núi luôn “thấp bé, nhẹ cân” hơn hẳn các huyện đồng bằng (hiện toàn tỉnh chỉ có khoảng 8% trẻ mẫu giáo SDD và 10% trẻ thấp còi; nhiều địa phương chỉ ở mức từ 3 - 4% mà thôi).

Chuyện trẻ em miền núi SDD và thấp còi có lẽ đã có từ lâu lắm rồi và cũng đã được nhiều người biết đến. Đó hẳn vẫn là câu chuyện thời sự lâu dài của xã hội mà trước hết vẫn là gánh nặng của 2 ngành Giáo dục và Y tế. Cần có nhiều thời gian và giải pháp tổng lực, đồng bộ, mang tính chiến lược hơn nữa thì mới có thể giải quyết được. Có điều, năm nay, Khánh Hòa đăng ký là 1 trong 10 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Trong đó, có 1 tiêu chí là tỷ lệ trẻ SDD, thấp còi các xã thuộc địa bàn miền núi, vùng cao thấp hơn 15%, còn những vùng khác phải thấp hơn 10%. Vậy mà, chỉ còn khoảng 8 tháng nữa là hết năm, làm sao có thể lấp đầy “khoảng trống” về thể lực ấy cho các cháu để công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của tỉnh khỏi “lỡ hẹn”?

Được biết, hiện nay, Sở GD-ĐT đang khẩn trương trình UBND tỉnh một số giải pháp quan trọng theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi làm việc với lãnh đạo ngành GD-ĐT vào cuối tháng 2 để kịp trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp tới (dự kiến vào tháng 6). Trong đó, kiến nghị nâng mức hỗ trợ cho HS DTTS đang học mầm non và tiểu học bán trú lên khoảng 315.000 đồng/tháng (tương ứng khoảng 1/3 mức lương tối thiểu mới) để tổ chức tốt hơn nữa các bữa ăn tại trường (HS mẫu giáo, ngoài bữa ăn trưa còn có bữa ăn xế), bổ sung dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho các em, thay vì phát cho phụ huynh như trước đây theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Đây là một giải pháp rất thiết thực. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chúng ta cần có giải pháp căn cơ, lâu dài và tích cực hơn nữa của cả cộng đồng trong nỗ lực chung về phòng, chống SDD và thấp còi cho trẻ em DTTS. Các cơ quan, ban, ngành như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Phòng Lao động Thương binh - Xã hội và các tổ chức xã hội khác nên cùng bắt tay với ngành Giáo dục tìm thêm nguồn hỗ trợ để tăng thêm số bữa ăn trong ngày và tăng chất lượng dinh dưỡng hơn cho các cháu HS DTTS của 2 huyện miền núi.

LÊ VĂN