11:03, 16/03/2012

Vì sao tư vấn tuyển sinh đại học ít hấp dẫn học sinh?

Trong các buổi tư vấn tuyển sinh đại học tổ chức ở các trường phổ thông hoặc ở các hội trường lớn được truyền hình trực tiếp vừa qua, người ta thường thấy nhiều học sinh bỏ ra về nữa chừng.

Trong các buổi tư vấn tuyển sinh (TVTS) đại học (ĐH) tổ chức ở các trường phổ thông hoặc ở các hội trường lớn được truyền hình trực tiếp vừa qua, người ta thường thấy nhiều học sinh (HS) bỏ ra về nữa chừng. Có người tỏ ra ái ngại và chê trách công tác quản lý HS của các nhà trường cũng như các thầy cô giáo chưa tốt, ý thức kỷ luật của HS còn kém… Nhưng xét cho cùng, nguyên nhân chính vẫn là do các buổi tư vấn ấy chưa thực sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của HS trong khi quỹ thời gian của các em đang ôn thi ĐH hiện nay lại không dư dả, cho nên cũng không thể trách cứ các em.

Có thể dễ dàng nhận thấy nhiều HS đến tham gia các buổi TVTS cho có lệ theo sự huy động, sắp xếp của nhà trường là chính bởi bản thân các em và gia đình đã chủ động tìm hiểu và chọn trường dự thi từ trước. Điều này ngày càng trở nên phổ biến vì thời gian qua, các kênh thông tin, báo chí luôn đầy ắp chuyện ôn tập, thi cử, chọn ngành, chọn nghề… và tuyển sinh ĐH cũng đã trở thành câu chuyện thời sự hàng ngày của các gia đình có con cái dự thi ĐH năm nay. Cũng có thể do nhiều HS chưa nghiên cứu, chuẩn bị trước nên khá nhiều câu hỏi của các em thường hỏi cho có, chỉ xoay quanh các vấn đề khá vụn vặt như “trường nào có khối A1?”, “trường nào có đào tạo ngành tài chính - ngân hàng?”, “nếu không trúng tuyển thì có thể xét tuyển ở trường nào?”… Rất ít câu hỏi có ý nghĩa tình huống hoặc mang tính phổ quát để nhiều HS khác cùng suy ngẫm và rút kinh nghiệm cho chính bản thân; thỉnh thoảng lại có những câu hỏi khá lạ nhưng lại không đi vào trọng tâm, khiến nhà tư vấn cũng không biết trả lời thế nào cho phải lẽ, ví như “em có chiều cao khiêm tốn vậy nên thi vào ngành gì để giàu nhanh?”!

Bên cạnh một số nhà tư vấn có kinh nghiệm và kỹ năng tốt, cũng có nhiều người hình như chưa thực sự chuẩn bị chu đáo cho công việc này. Khá nhiều thời gian của các nhà tư vấn dành cho phần giới thiệu những vấn đề đổi mới trong TS ĐH năm nay, những dụng cụ học tập thí sinh được mang vào phòng thi, những trường hợp vi phạm nội quy thi thường gặp… mà thực ra các em đều đã biết khá rõ từ các nguồn thông tin khác, trong đó có hướng dẫn của các nhà trường. Nhiều câu trả lời khá dài dòng, trùng lặp với người trước đã nói và lại dài thêm vì tranh thủ giới thiệu về trường mình. Cá biệt, có người hình như chưa nắm vững về các nội dung đổi mới về TS ĐH, luôn nói về nguyện vọng 2, nguyện vọng 3… khiến cho các em ngơ ngác. Trong buổi TVTS ở tỉnh P. được truyền hình trực tiếp, khi một HS nêu câu hỏi bằng giọng nói đặc trưng của địa phương, người chủ tọa nói ngay là “em nói khó nghe quá” làm cho những em HS khác không dám hỏi nữa vì ngượng; trong khi trên bàn chủ tọa cũng có đại diện của các trường ĐH, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh ấy!

Công lao và tâm huyết của các nhà tài trợ, đặc biệt là của các tờ báo trong việc tổ chức TVTS là rất đáng trân trọng nhưng cũng phải thấy rằng cách tổ chức như hiện nay đã bắt đầu đi vào lối mòn, xem ra chỉ có thể thu hút HS ở các trường thuộc nông thôn, miền núi; còn ở các đô thị lớn thì ít tác dụng nên không thể tránh khỏi chuyện HS bỏ về nửa chừng như đã nói ở trên. Điều này không có gì lạ với các trường ĐH nên một số trường đã chọn cách làm riêng; trong đó những trường thuộc hàng “đại gia” đã chuẩn bị rất kỹ tài liệu được in ấn đẹp đẽ, bắt mắt, phát tận tay từng HS và chỉ cần tranh thủ vài phút trong buổi chào cờ để TVTS cho trường mình khá hiệu quả. Tất nhiên, cách làm này chỉ có thể thực hiện ở các trường thuộc khu vực nội thị, nơi tập trung HS khá giỏi và phụ huynh cũng đủ tiềm lực kinh tế để có thể trang trải việc học tập cho con em mình trong suốt 4 năm ĐH ở các trường này.

Thực ra, TVTS sẽ luôn có ý nghĩa đồng hành với các kỳ thi tuyển sinh ĐH hàng năm nhưng muốn thu hút HS và mang lại cho các em nhiều điều bổ ích hơn nữa thì cần phải rút kinh nghiệm và nhanh chóng đổi mới cách làm. Việc chuẩn bị chu đáo của người nói, người nghe là rất quan trọng, nhưng trong thời đại thông tin bùng nổ như ngày nay thì đổi mới và sáng tạo trong cách làm TVTS lại càng quan trọng hơn!

ĐỖ QUYÊN