01:10, 06/10/2011

Có trị được “căn bệnh” lạm thu trong các trường học?

Trước những dư luận và phản ứng mạnh mẽ của xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nghiêm khắc, quyết liệt nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học.

Trước những dư luận và phản ứng mạnh mẽ của xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh học sinh (PHHS), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng như các Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nghiêm khắc, quyết liệt nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học. Nhiều bậc PHHS đã từng phấn khởi về quyết tâm thay đổi của ngành GD-ĐT ở lĩnh vực nhạy cảm này, nhưng nay họ rất thất vọng vì mọi chuyện dường như vẫn như cũ; văn bản của các cấp quản lý GD cứ liên tiếp phát hành nhưng các bậc PHHS vẫn phải tiếp tục rút hầu bao của mình cho các khoản thu “ngoài luồng” của nhà trường. Vấn đề đặt ra là liệu có phương thuốc đặc trị nào đối với “căn bệnh” kinh niên này không?

Đầu năm học này, người ta thấy các đoàn thanh tra của ngành GD-ĐT đến nhiều địa phương và trường học để tiến hành xác minh, kiểm tra thông tin các nhà trường thu nhiều khoản tiền không nằm trong quy định hiện hành của Nhà nước. Không ít người trước đây từng băn khoăn, bức xúc với vấn đề này đã sớm vui mừng và thấp thỏm chờ đợi kết luận, xử lý của ngành GD-ĐT, nhưng theo các hồi âm ban đầu cho thấy đã không phát hiện nơi nào vi phạm; nếu có cũng chỉ là những thiếu sót nhỏ cần rút kinh nghiệm. Kết quả này tất nhiên không thể thuyết phục được dư luận xã hội và điều oái ăm là có những người “trong cuộc”, đã từng tự tay nộp các khoản tiền như thế cho chính con cháu mình nhưng qua kiểm tra hồ sơ, sổ sách của các nhà trường thì tất cả đều rõ ràng, hợp lệ; không thể hiện bất cứ chứng cứ nào về các khoản thu sai quy định!

Chuyện lạm thu trong các trường học thực ra đã có từ lâu và ít nhiều đều đã xảy ra ở các địa phương khác nhau trong tỉnh, song chủ yếu tập trung ở các khu vực đô thị; năm nào dư luận, báo chí cũng đề cập và ngành GD-ĐT đều có hình thức kiểm tra, nhắc nhở. Có lẽ vì vậy mà nay các nhà trường đều dạn dày kinh nghiệm nên không có nơi nào “dại dột” thu sai 2 khoản “cứng” theo quy định của Nhà nước là học phí và quỹ Hội PHHS. Trong thực tế, các khoản thu đầu năm học rất nhiều, lại rải ra các thời điểm khác nhau và hầu hết không có phiếu thu nên nếu không cẩn thận ghi chép thì ngay các bậc PHHS cũng không nhớ rõ. Trong đó, các khoản thu lớn nhất vẫn là do chi hội PHHS từng lớp đặt ra (có nơi đã được lãnh đạo nhà trường và giáo viên chủ nhiệm bật đèn xanh) và điều đáng nói là các khoản kinh phí không nhỏ này được chi tùy ý, không hóa đơn, chứng từ nên không biết liệu có phục vụ trực tiếp cho việc học tập, sinh hoạt của HS hay không?

Thực ra, việc lạm thu còn diễn ra ở nhiều hình thức khác. Năm nay, các trường phổ thông ở tỉnh rộ lên phong trào đồng phục, bắt buộc mỗi em HS phải sắm ít nhất 3 bộ (kể cả đồng phục thể dục) do trường trực tiếp cung cấp hoặc may theo địa chỉ nhà trường giới thiệu với mức giá vài trăm ngàn đồng/bộ. Chỉ tính riêng trong một trường có quy mô HS trung bình cỡ 1.000 em cũng đã là khoản tiền rất lớn nhưng ngành GD-ĐT không kiểm soát được giá cả và cũng không thể biết các khoản hoa hồng rơi vào túi ai. Ngay những vật dụng nhỏ như bảng tên, huy hiệu của nhà trường cũng đều do các đầu nậu cung cấp nhưng mỗi nơi mỗi giá và đều có con đường riêng để chiếm thị phần rộng lớn ở các trường học. Có nơi còn nghĩ ra cách in logo nhà trường lên bìa vở HS, độc quyền phát hành và sử dụng trong trường với mức giá cao hơn thị trường khoảng 1.000 đồng/cuốn. Riêng các khoản thu cho HS bán trú luôn được nhà trường giải thích là “thu đủ chi đủ”, không tính lợi nhuận nhưng chỉ cần nhẩm tính trong phạm vi một lớp, khoản tiền dôi ra không nhỏ chút nào.

Không thể vin vào lý do ngân sách Nhà nước cấp cho ngành GD-ĐT mỗi năm còn quá khiêm tốn mà các trường tự ý đặt ra nhiều khoản đóng góp khác để “tọa chi” theo mục đích riêng của mình, rất dễ dẫn đến các hiện tượng tiêu cực và ngày càng làm xói mòn lòng tin của xã hội đối với ngành GD-ĐT vốn đã bị lung lay. Và cũng không thể nói rằng vì thiếu chứng cứ nên không thể xử lý được tình trạng lạm thu trong các nhà trường. Bởi nếu có quyết tâm thì ngành GD-ĐT không thiếu gì cách tìm ra sự thật như sử dụng phiếu điều tra giáo viên, PH, HS; yêu cầu công khai kế hoạch thu - chi các loại ngân sách ngay từ đầu năm học; phát huy tác dụng của công tác kiểm tra nội bộ trường học và vai trò của các đoàn thể trong nhà trường, nhưng quan trọng nhất vẫn là xử lý nghiêm các hiệu trưởng vi phạm để làm gương cho toàn ngành. Làm được như thế thì tin chắc rằng trong một tương lai không xa, xã hội và các bậc PHHS sẽ không còn đặt ra câu hỏi “có trị được căn bệnh lạm thu trong các trường học” hay không?

ĐỖ QUYÊN