12:07, 26/07/2011

“Hậu” tuyển sinh lớp 10

Gần 2 tuần, kể từ khi có điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2011 - 2012, vợ chồng anh N.V.P (phường Xương Huân, Nha Trang) bơ phờ như người ốm dậy, không buôn bán làm ăn gì được vì đứa con út rớt cả 2 nguyện vọng, lại không đủ điểm sàn vào Trường Chu Văn An.

Gần 2 tuần, kể từ khi có điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2011 - 2012, vợ chồng anh N.V.P (phường Xương Huân, Nha Trang) bơ phờ như người ốm dậy, không buôn bán làm ăn gì được vì đứa con út rớt cả 2 nguyện vọng, lại không đủ điểm sàn vào Trường Chu Văn An. Anh chị đã “gõ cửa” khắp nơi nhờ cậy, nhận được khá nhiều lời hứa song cũng sớm nhận ra đó chỉ là hy vọng hão huyền nên đành nộp đơn cho con vào học ở một trường trung học phổ thông (THPT) dân lập vốn lâu nay không mấy tiếng tăm về chất lượng giáo dục. Thôi thì tạm yên một bước việc học hành của con nhưng quả thật trong lòng anh chị vẫn nặng trĩu bao nỗi buồn bã, âu lo.

Nếu tính cả tỉnh, còn có hơn 5.000 phụ huynh khác cùng có cảnh ngộ tương tự như gia đình anh N.V.P vì con em họ không may mắn được trúng tuyển trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua. Thực ra, trường hợp anh P. cũng còn may mắn vì Nha Trang có đến mấy trường THPT tư thục, dân lập - kể cả các trường quốc tế để có cơ hội đắn đo, lựa chọn; còn các địa phương khác như Cam Ranh, Ninh Hòa nay đều thuần trường THPT công lập, hỏng thi lớp 10 hầu như chỉ còn con đường vào học bổ túc văn hóa. Đã vậy, các trung tâm giáo dục thường xuyên chỉ nằm ở khu vực huyện lỵ, nhiều em hàng ngày phải đi trên quãng đường dài từ 10 - 15km mới đến lớp, cho nên không có gì lạ khi tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm luôn cao hơn 10%, thậm chí có nơi lên tới 20%. Ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cũng thường giải thích rằng, ngoài giáo dục phổ thông còn có giáo dục thường xuyên, dạy nghề, phổ cập… với nhiều loại hình trường lớp đa dạng, đủ sức đảm bảo tất cả học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có nhu cầu học lên đều có chỗ học, nhưng nếu thử đặt vào trường hợp riêng mình thì chẳng mấy ai muốn con em mới 15 - 16 tuổi lại rời khỏi con đường giáo dục phổ thông.

Chính vì vậy, “hậu” tuyển sinh lớp 10 (TS10) năm nào cũng lắm chuyện rối rắm, phức tạp. Ngay sau khi kết quả TS10 được công bố, người ta đã nghe đồn rằng có các “cò” đường dây “chạy” phúc khảo với những giá cụ thể cho từng môn thi, mức điểm… nhưng đó cũng chỉ là những tin đồn. Nhiều phụ huynh quá lo lắng, sốt ruột nên vừa nộp hồ sơ phúc khảo ở trường xong đã đến Sở GD-ĐT hỏi kết quả; mới trả lời hôm trước, hôm sau lại thấy xuất hiện. Nhiều người lại nghĩ ra lắm cách để xin được chiếu cố, đặc cách trúng tuyển cho con như: vì nhiệm vụ công tác mà xa nhà, không có điều kiện chăm sóc, giáo dục; các cháu sức khỏe yếu vì di chứng chiến tranh; gia đình có hoàn cảnh khó khăn, éo le… Trường hợp nào cũng đáng quan tâm nhưng các khoản ưu tiên (nếu có) cũng đã được tính, Sở GD-ĐT không thể tự đặt ra mức ưu đãi nào khác. Lại có nơi làm đơn tập thể với cả chục người ký tên xin mở thêm vài lớp 10 nữa cho đến… mức điểm của con em họ, dù ở hội đồng thi ấy đã được hạ mức điểm chuẩn TS10 đến giới hạn cuối cùng.

Lại có trường hợp đã trúng tuyển rồi lại “chạy” chuyển trường dù trong quy chế thi TS10 có nội dung cam kết không xin chuyển trường trong thời gian học THPT, trừ các trường hợp đặc biệt do Sở GD-ĐT xem xét, quyết định. Vì mong muốn cho con được học trường điểm có điều kiện dạy học tốt và truyền thống đỗ đạt cao nên nhiều bậc phụ huynh đã vận dụng tối đa các mối quen biết, trưng ra đủ thứ giấy tờ minh chứng cho lý do “chính đáng” của mình. Sức thu hút của những trường THPT có “thương hiệu” rất mạnh khiến nhiều bậc phụ huynh không từ bỏ “thủ pháp” nào từ thuyết phục, năn nỉ đến viện dẫn quy định của luật pháp đảm bảo quyền học tập của trẻ em để… cãi lý, thậm chí có cả trường hợp than khóc, vật vã ngay tại trụ sở Sở GD-ĐT khi không được đáp ứng yêu cầu!

Để “hậu” TS10 những năm tới không tái diễn thực trạng này, e rằng xã hội và đặc biệt là ngành GD-ĐT phải bỏ thêm công sức và đổi mới trên nhiều mặt. Đó là cần phải quy hoạch lại mạng lưới trường THPT trên toàn tỉnh hợp lý hơn, tập trung tăng cường các điều kiện dạy và học cho các trường khó khăn để thu hút học sinh nhằm hạn chế tình trạng chênh lệch quá lớn về tỷ lệ “chọi”; đảm bảo sự cân đối về tỷ lệ TS10 giữa các huyện, thị, thành phố. Những trường THPT có khả năng thu nhận trên 75% thí sinh đăng ký thì tổ chức xét tuyển theo phân tuyến dựa vào kết quả học tập, rèn luyện của toàn cấp trung học cơ sở nhằm làm cho phụ huynh và học sinh không phải ấm ức “học tài thi phận” mà chạy vạy khi hỏng thi và chỉ thi tuyển ở một số trường THPT trọng điểm với các “thước đo” chặt chẽ, khoa học hơn. Mặt khác, ngành GD-ĐT cũng phải phối hợp với các lực lượng xã hội, nhất là các trường nghề để làm tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp để mỗi gia đình và học sinh tự xác định đúng hướng đi cho mình, cũng là cách giảm tải hiệu quả cho TS10.

LÊ VĂN