11:07, 04/07/2011

Cần ngăn chặn nạn bắt cá bằng hóa chất

Chỉ cần dùng một viên hóa chất to bằng quả bóng bàn là có thể làm mê cá (chết lâm sàng) trong phạm vi từ 6 đến 7m3 nước.

Chỉ cần dùng một viên hóa chất to bằng quả bóng bàn là có thể làm mê cá (chết lâm sàng) trong phạm vi từ 6 đến 7m3 nước. Chính vì hiệu quả tức thời đó nên nhiều ngư dân chuyên nghề lặn đã sử dụng hóa chất để đánh bắt các loại cá lớn và cá giống. Việc làm này đang làm cho môi trường sinh thái đứng trước nguy cơ bị hủy hoại…

Theo nguồn tin của người dân, hiện nay trên địa bàn huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và TP. Nha Trang, xuất hiện tình trạng một số người dùng hóa chất đánh bắt cá. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc đánh bắt cá bằng hóa chất là có thật. Để tìm hiểu, chúng tôi nhờ một ngư dân ở xã Vĩnh Lương (Nha Trang) chuyên làm nghề lặn biển cho xem loại hóa chất mà người dân gọi là “thuốc gây mê” dùng để đánh bắt cá. Theo quan sát của chúng tôi, loại hóa chất này có kích cỡ bằng quả bóng bàn, màu trắng. Mỗi viên hóa chất như vậy có giá từ 15.000 đồng trở lên. Tuy chúng có màu sắc giống nhau nhưng công năng của nó được chia thành 3 cấp độ: gây mê nhẹ, gây mê vừa và gây mê nặng. Mỗi viên thuốc có tầm sát hại, hủy diệt trong phạm vi từ 6 đến 7m3 nước. Để đánh bắt cá, các ngư dân lặn biển thường trộn hóa chất này với nước thành hỗn hợp rồi xịt vào các rạn san hô, hốc đá làm thủy sản bị say để bắt. Sau khi bắt xong sẽ thả vào bình ôxy để làm cá tỉnh lại. Tuy nhiên, người dân chỉ chọn bắt cá lớn và cá mú giống, còn các loài cá con, nhuyễn thể khác không bị bắt cũng sẽ say thuốc mà chết. Cũng theo nguồn tin do ngư dân cung cấp, các loại hóa chất gây mê này có xuất xứ từ Trung Quốc. Tính năng hủy diệt của nó ai cũng thấy rõ, nhưng mức độ độc hại như thế nào thì không ai biết. Việc dùng hóa chất để đánh bắt cá đã gây ra những tác hại khôn lường cho môi trường biển, nó có thể gây chết hàng loạt loại cá nhỏ và cả rạn san hô. Các ngư dân đều biết điều này, song vì dùng cách này sẽ dễ dàng đánh bắt được một lượng lớn cá mà không tốn nhiều công sức nên họ vẫn làm.

Vùng biển ngư dân thường sử dụng hóa chất để thuốc cá là xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), khu vực Hòn Chồng, Hòn Đỏ, Bích Đầm (TP. Nha Trang). Theo Chỉ huy Đồn Biên phòng 372 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thời gian gần đây, hàng ngày tại khu vực biển Hòn Chồng, Hòn Đỏ, trước Công viên Yersin (đường Trần Phú, TP. Nha Trang) thường xuyên có khoảng 150 người từ các huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa đến bắt cá con. Nhiều người biết việc đánh bắt này, song để có thể phát hiện được họ có dùng hóa chất hay không là điều không dễ. Việc đánh bắt bằng loại thuốc mê đang tạo nên sự bất bình trong dư luận. Đối với các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên biển, tình trạng này đã làm cho họ rất hoang mang. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Bình (một hộ nuôi cá mú tại khu vực Hòn Một, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) không khỏi lo lắng: “Thời gian gần đây, nghe nói có loại thuốc mê của Trung Quốc được cánh thợ lặn dùng để bắt cá, chúng tôi rất lo cho cá nuôi của chúng tôi bởi quanh khu vực này thường xuyên có người đến lặn. Nếu họ sử dụng hóa chất độc hại sẽ ảnh hưởng đến các lồng cá. Dù biết như thế, chúng tôi cũng không thể cấm vì họ đánh bắt cá là chuyện bình thường, chỉ khi nào phát hiện họ dùng hóa chất để đánh bắt gần khu vực nuôi trồng, chúng tôi mới có thể đuổi họ đi. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, hậu quả sẽ rất khó lường”.

Ngoài ra, vì đây là loại hóa chất trôi nổi không có sự kiểm định và xuất xứ từ Trung Quốc nên chúng ta không biết được mức độ độc hại của nó sẽ ảnh hưởng đến người tiếp xúc với thuốc như thế nào. Tuy đến nay vẫn chưa có công bố của cơ quan nghiên cứu về mức độ độc hại của loại hóa chất đánh bắt cá nhưng nếu có thể làm chết cá thì chắc chắn những người dùng nó để đánh bắt cũng sẽ bị ảnh hưởng. Có một điều đáng nói, việc các ngư dân dùng hóa chất đã xuất hiện suốt một thời gian dài, song đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn vấn nạn này. Nếu chúng ta không kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, môi trường biển sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Để bảo tồn đa dạng sinh học của vùng biển trong tỉnh, đề nghị các cơ quan ban ngành liên quan sớm tiến hành các biện pháp ngăn chặn, xử lý. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm Nghị định số 31/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có một số quy định mức xử phạt vi phạm hành chính tăng cao… Chi cục Thủy sản cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp để mọi người hiểu rõ tác hại của việc sử dụng hóa chất độc trong khai thác thủy sản… Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan mở đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép hóa chất độc để khai thác thủy sản. Làm tốt điều đó, chắc chắn tình trạng dùng hóa chất để đánh bắt sẽ thuyên giảm.

LAM THANH