09:08, 13/08/2018

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Ninh Hòa: Chú trọng đến vùng khó khăn

Chiến dịch tăng cường truyền thông cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao trên địa bàn thị xã Ninh Hòa trong những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em...

Chiến dịch tăng cường truyền thông cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao trên địa bàn thị xã Ninh Hòa trong những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đặc biệt, chiến dịch giúp phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa biết chủ động thực hiện KHHGĐ. 
 
Ưu tiên vùng khó khăn 
 
Các xã: Ninh Thượng, Ninh Sơn, Ninh Tân là những địa bàn thuộc vùng khó khăn của thị xã Ninh Hòa. Đây là những địa phương có mức sinh cao, tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông đi lại trắc trở, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thuốc men, trang thiết bị y tế còn nhiều thiếu thốn. Vì vậy, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, chăm sóc SKSS cho phụ nữ còn nhiều hạn chế.

 

Một hoạt động khám sức khỏe cho người dân Ninh Tân.
Một hoạt động khám sức khỏe cho người dân Ninh Tân.
 
 Chị Cao Thị Diện - người dân tộc Raglai ở thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân cho biết, chị mới 37 tuổi nhưng đã có 7 đứa con và 2 cháu ngoại. Cuộc sống gia đình đông con, quanh năm thiếu ăn thiếu mặc, thuộc diện hộ nghèo nhiều năm qua. Vì vậy, các con chị phải ở nhà phụ làm thuê, có đứa đã lấy chồng từ năm 16 tuổi. Nhiều lần cán bộ đến vận động triệt sản nhưng do thiếu kiến thức nên chị cứ lo sợ, không thực hiện. Chị uống thuốc cũng không liên tục nên cứ thế lại sinh.
 
Hàng năm, Ban chỉ đạo công tác Dân số (DS) - KHHGĐ thị xã đều ưu tiên cung cấp dịch vụ cho các địa bàn khó khăn. Cụ thể, phối hợp với Trung tâm Y tế tổ chức nhiều đợt tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho phụ nữ, khám phụ khoa, đặt vòng, tiêm tránh thai, siêu âm, khám thai cho phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi có chồng. Hoạt động này không chỉ cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người dân vùng khó khăn mà còn giúp các cặp vợ chồng trẻ nâng cao nhận thức về lợi ích của KHHGĐ, thực hiện đúng chính sách DS. Bên cạnh đó, ban còn tham mưu chính quyền các địa phương phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động truyền thông cung cấp thông tin về chăm sóc SKSS, sàng lọc trước sinh, làm mẹ an toàn thông qua các buổi sinh hoạt, tọa đàm, hội thi… Qua đó rà soát, lập danh sách các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, nhất là các cặp vợ chồng sinh con 1 bề để vận động, thuyết phục họ thực hiện KHHGĐ. Đồng thời, phối hợp với Đội Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em triển khai các hoạt động đến từng thôn, xã để nâng cao nhận thức cho người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em... 
 
Nâng cao nhận thức người dân 
 
Nhờ tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, cùng với cung cấp dịch vụ nên công tác DS-KHHGĐ một số xã vùng khó khăn chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt là Ninh Tân, phần lớn người dân đã thay đổi nhận thức. Tình trạng sinh đông giảm đáng kể. Năm 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã giảm còn 6,25%, tỷ suất sinh đạt 10,18‰, thấp hơn mặt bằng chung của thị xã. Tảo hôn cũng chỉ còn 1 trường hợp, qua đó góp phần không nhỏ trong việc ổn định mức sinh trên toàn thị xã Ninh Hòa. 
 
Bà Nguyễn Ngô Bích Khuê - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Ninh Hòa cho biết, những năm gần đây, thị xã luôn quan tâm đến chất lượng DS, đặc biệt cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS có chất lượng cho phụ nữ vùng khó khăn, vùng đông dân cư, miền núi. Đặc biệt, đẩy mạnh chương trình tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ, SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn. Qua đó, đã chia sẻ một phần gánh nặng ngân sách Nhà nước trong công tác chăm sóc SKSS người dân. Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức truyền thông các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS tới tận thôn bản, từng hộ. Từ đó, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng DS của thị xã trong những năm tiếp theo.
 
Thiết Trang