09:10, 23/10/2017

Hiểm họa ong đốt

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 6, 7 trường hợp bệnh nhân (BN) nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch vì bị ong đốt, đã có BN tử vong.

 

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 6, 7 trường hợp bệnh nhân (BN) nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch vì bị ong đốt, đã có BN tử vong.


Tháng 9-2017, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của BVĐK tỉnh tiếp nhận ông Cao Văn B. (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) bị ong vò vẽ đốt hơn 50 mũi. Ông B. nhập viện trong tình trạng nguy kịch, đau nhức và phù nề toàn thân, vết thương ong đốt khắp người, không tiểu tiện được. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cho thấy, BN đã bị suy đa tạng, gan, thận… nguy hiểm đến tính mạng. Để cứu sống BN, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, lọc máu liên tục. Sau hơn nửa tháng điều trị, sức khỏe ông B. ổn định và xuất viện.

 

Không may mắn như ông B, giữa tháng 10, ông Đoàn Văn C. (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái toàn thân, suy gan, suy thận, ngưng tim, ngưng thở do bị ong đốt. Được chẩn đoán bị sốc phản vệ do ong vò vẽ đốt, các bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành điều trị cấp cứu, lọc máu liên tục để thải chất độc cho BN. Tuy nhiên, BN đã tử vong sau 3 ngày điều trị.


Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK tỉnh cho biết: “Thông thường BN bị ong vò vẽ đốt hàng chục vết trở lên mới dẫn đến tình trạng nguy kịch. Riêng trường hợp BN, C. bị đốt có 1 vết đã rơi vào tình trạng nguy kịch là do cơ địa quá mẫn cảm với chất độc của ong. Vì thế, khi bị ong vò vẽ đốt, nếu được tiêm ngay thuốc Adrenalin (thuốc chống sốc phản vệ) càng sớm càng tốt thì cơ hội sống của BN càng nhiều. Đặc biệt, người nhà BN không nên bôi vôi, trét dầu vào chỗ đốt, bởi lúc này chất độc của côn trùng đã theo mạch máu đi vào cơ thể nên hành động trên không có tác dụng, nếu gặp cơ địa quá mẫn cảm thì tình trạng bệnh càng nặng hơn”.

 

Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị  cho bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt.

Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cho bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt

 

Theo các bác sĩ chuyên khoa chống độc, nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc. Tuyến bên trái chứa chất kiềm lỏng, tuyến bên phải chứa chất axit lỏng. Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng và acetylcholin. Khi bị ong đốt, nếu không được cấp cứu kịp thời, một số trường hợp nạn nhân có thể chết ngay trong 30 phút đầu tiên. Nguy cơ tử vong không tùy thuộc vào lượng nọc ong mà tùy thuộc vào cơ địa, sự phản ứng của cơ thể mỗi người. Điều này đồng nghĩa một con ong cũng có thể làm chết người. Do đó, tuyệt đối không được xem thường khi bị ong đốt.


Bác sĩ Kỷ khuyên: “Khi bị ong đốt, nạn nhân phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Nếu không tìm được thuốc Adrenalin để tiêm, trước khi đến cơ sở y tế, người bị ong đốt có thể tự làm hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác sơ cứu ban đầu bằng cách dùng nhíp hoặc các vật cứng nhổ ngay kim chích của ong (nếu có); tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy kim, túi độc vì như thế sẽ tạo điều kiện cho nọc độc lan tỏa và thấm sâu hơn vào cơ thể. Sau đó, rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng rồi đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề. Lưu ý không nên đắp trực tiếp nước đá lên chỗ ong đốt. Khi đến cơ sở y tế, nạn nhân nên cung cấp cho bác sĩ biết hình dạng con ong chích mình để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp”.


Cát Đan