10:11, 28/11/2016

Phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn

Gần 1 năm nay, Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn. Sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế và Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa là đơn vị triển khai thành công kỹ thuật tiên tiến này.

Gần 1 năm nay, Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn. Sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế và Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa là đơn vị triển khai thành công kỹ thuật tiên tiến này.


Bác sĩ Ngô Thế Lâm - Trưởng Khoa Ngoại tổng quát, BVĐK tỉnh cho biết, thoát vị bẹn có thể hiểu là ổ bụng có lỗ khiếm khuyết ở vùng bẹn, qua lỗ thủng các tạng trong bụng như: ruột, mạc nối (mỡ chài)... chui qua lỗ này.

 

Kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân
Kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân


Nguyên nhân thoát vị bẹn là do tồn tại ống phúc tinh mạc (bẩm sinh) hay gặp ở trẻ em; có điểm yếu của cơ thành bụng (mắc phải) ở người trưởng thành. Ngoài ra, những người mắc bệnh mãn tính làm tăng áp lực ổ bụng (u xơ tiền liệt tuyến, táo bón thường xuyên, ho mãn tính, béo phì) hoặc người thường xuyên lao động nặng cũng dễ mắc phải bệnh lý trên. Bệnh thường gặp ở nam giới (chiếm 80%) và tỷ lệ thuận với độ tuổi. Khoảng 5% dân số bị thoát vị thành bụng, trong đó 75% là thoát vị bẹn.


Thoát vị bẹn nếu không được phẫu thuật sẽ gây đau tức, khó khăn trong sinh hoạt và lao động. Trong một số trường hợp, thoát vị bẹn có thể gây ra biến chứng cấp tính nguy hiểm cho bệnh nhân, thậm chí có thể xảy ra hiện tượng xoắn vặn và gây nghẹt dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, nếu phát hiện chậm có thể gây tử vong. Cách điều trị là phải mổ để bít lỗ thoát vị bằng cách tạo vạt che hoặc dùng “mảnh vá” - một lưới sợi tổng hợp để che phủ điểm yếu của thành bụng, làm vững mạnh điểm yếu và không làm căng cân cơ thành bụng.


Bác sĩ Lâm cho biết, những năm trước, để điều trị bệnh lý này, khoa thực hiện phẫu thuật hở. Năm 2015, sau khi chuẩn bị đầy đủ về nhân lực và trang thiết bị, khoa triển khai điều trị bệnh lý thoát vị bẹn bằng kỹ thuật nội soi theo 2 phương pháp: TEP (mổ nội soi và đặt lưới hoàn toàn ngoài phúc mạc) và TAPP (nội soi qua ổ bụng và đặt lưới trước phúc mạc). Đây là 2 phương pháp tiên tiến nhất đang được các nước trên thế giới áp dụng. Qua gần 1 năm triển khai, khoa đã thực hiện 25 ca, trong đó số ca áp dụng phương pháp TEP chiếm 80%, còn lại là phương pháp TAPP. So với phẫu thuật hở, ưu điểm của phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn là an toàn, do vết mổ nhỏ (khoảng 0,5cm) bệnh nhân ít đau và nhanh chóng hồi phục sau mổ; ít có nguy cơ nhiễm trùng; thời gian phẫu thuật và nằm viện ngắn giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc; tỷ lệ tái phát rất thấp; không để lại sẹo…


Bệnh nhân N.V.P (50 tuổi, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Tôi bị u xơ tuyến tiền liệt, khi phát hiện mắc thêm bệnh lý thoát vị bẹn, tôi định vào TP. Hồ Chí Minh để điều trị. Sau khi được tư vấn, tôi quyết định phẫu thuật nội soi tại BVĐK tỉnh. Sau mổ, sức khỏe của tôi phục hồi rất tốt, ít đau. Tôi thấy BV triển khai được kỹ thuật này giúp những bệnh nhân như tôi không phải đi xa, đỡ tốn kém chi phí trong khi hiệu quả điều trị như nhau”.


Theo lời khuyên của các bác sĩ, bệnh nhân thoát vị bẹn thường xuất hiện các triệu chứng như: xuất hiện khối phồng vùng bẹn, khối này mềm, rõ hơn khi đứng, to lên khi rặn, ho, hắt hơi... Khi phát hiện bệnh lý thoát vị bẹn, dù trẻ em hay người lớn, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và tiến hành phẫu thuật vì thoát vị bẹn không thể tự khỏi.


THẢO LY