11:11, 27/11/2016

Tiến tới kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS

Hiện nay, cả nước có gần 110.000 bệnh nhân đang điều trị ARV tại 407 cơ sở điều trị, tăng gần 4.000 người so với cuối năm 2015. Tỷ lệ bệnh nhân đang điều trị ARV đạt 48% tổng số bệnh nhân HIV còn sống. Phần lớn các cơ sở điều trị HIV tập trung ở bệnh viện và trung tâm y tế huyện.

Hiện nay, cả nước có gần 110.000 bệnh nhân đang điều trị ARV tại 407 cơ sở điều trị, tăng gần 4.000 người so với cuối năm 2015. Tỷ lệ bệnh nhân đang điều trị ARV đạt 48% tổng số bệnh nhân HIV còn sống. Phần lớn các cơ sở điều trị HIV tập trung ở bệnh viện và trung tâm y tế huyện. Năm 2013, trong đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020 có quy định: “Chuyển dần nhiệm vụ điều trị HIV/AIDS từ các chương trình dự án viện trợ sang quỹ bảo hiểm y tế (BHYT)”.


Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến tháng 10, toàn tỉnh có 853 người nhiễm HIV còn sống; 658 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị thuốc ARV, chiếm 77%, trong đó có 28 trẻ em. Tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT chiếm 30,2%.  

 

Tư vấn cho bệnh nhân HIV tại cơ sở điều trị tuyến huyện
Tư vấn cho bệnh nhân HIV tại cơ sở điều trị tuyến huyện


Bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, Bộ Y tế vừa ban hành các công văn chỉ đạo việc kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS theo hướng để bệnh nhân HIV tiếp cận dần với BHYT.  Theo đó, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để thực hiện khám, chữa bệnh HIV/AIDS do BHYT chi trả, công tác kiện toàn hoàn thành ngay trong năm 2016.


Có 3 phương án kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Cụ thể, trong trường hợp phòng khám  thuộc hệ thống bệnh viện sẽ tổ chức quản lý, chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV có thẻ BHYT, trên cơ sở đảm bảo đủ điều kiện để cơ quan bảo hiểm thanh toán điều trị cho bệnh nhân. Cùng với đó, nếu quy trình khám, chữa bệnh HIV/AIDS ở phòng khám trên nằm ngoài quy trình khám, chữa bệnh của bệnh viện sẽ được giải quyết bằng cách lồng ghép vào quy trình khám, chữa bệnh chung của bệnh viện và đưa quản lý thông tin khám, chữa bệnh HIV như: tiếp nhận bệnh nhân, khám, chữa bệnh, chỉ định xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm, kê đơn, cấp thuốc, thanh toán và báo cáo các chỉ số theo dõi điều trị… vào hệ thống quản trị mạng của bệnh viện.


Đối với các phòng khám tại trung tâm y tế giao Sở Y tế quyết định. Đối với phương án thành lập phòng khám tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thì phải sắp xếp nhân lực, bố trí cơ sở vật chất và trang thiết bị phù hợp để phòng khám được cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh theo quy định hiện hành.

 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 30-6-2016, cả nước có 227.225 người nhiễm HIV, 85.753 người chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 89.210 người tử vong.

Căn cứ kết quả đánh giá, rà soát tại từng cơ sở điều trị, Sở Y tế xác định được phương án kiện toàn cho từng cơ sở là tiếp tục điều trị hay chuyển bệnh nhân sang bệnh viện hoặc thành lập phòng khám chuyên khoa HIV. Trên cơ sở đó, các cơ sở điều trị sẽ tiến hành ký bổ sung hợp đồng khám, chữa bệnh HIV/AIDS với cơ quan BHYT. Khi triển khai, các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải đảm bảo điều kiện nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện đúng quy trình khám, chữa bệnh HIV/AIDS, có kế hoạch điều chuyển bệnh nhân (nếu cần) và báo cáo điều trị HIV/AIDS.


Về công tác tư vấn để bệnh nhân mua thẻ BHYT, các cơ sở xác định tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT qua thu thập trong các lần bệnh nhân đến khám, trên cơ sở đó vận động các bệnh nhân HIV/AIDS chưa tham gia BHYT mua BHYT để được chăm sóc và điều trị tốt nhất.


BS. TÔN THẤT TOÀN
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)