10:11, 24/11/2016

Phải có kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn diện

Tuy đạt một số kết quả, nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến phức tạp.

Tuy đạt một số kết quả, nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến phức tạp. Trong cuộc họp diễn ra ngày 24-11, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan phải có kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn diện, tránh chồng chéo, phải xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

 

Đồng chí Nguyễn Đắc Tài chỉ đạo tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Đắc Tài chỉ đạo tại buổi làm việc


Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình VSATTP trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh xảy ra 5 vụ với 207 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 trường hợp tử vong ở Khánh Sơn. Do chạy theo lợi nhuận nên vẫn có một số cơ sở lén lút sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, không rõ nguồn gốc trong sản xuất giá đỗ, chế biến cà phê; sử dụng hàn the để ướp hải sản và sản xuất giò chả; chất tạo nạc để chế biến thức ăn chăn nuôi... Việc đảm bảo các quy định về vệ sinh điều kiện sản xuất ở một số cơ sở chưa được thường xuyên, còn mang tính đối phó với cơ quan kiểm tra. Trong khi đó, công tác quản lý VSATTP gặp nhiều khó khăn do hệ thống văn bản pháp luật về chất lượng VSATTP còn chồng chéo, chưa sát với thực tế. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác này; công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật ở các địa phương chưa được thường xuyên, chỉ dừng lại ở các đợt cao điểm nên hiệu quả chưa cao, dẫn đến một số cơ sở chậm thay đổi tư duy sản xuất thực phẩm an toàn. Ngoài ra, lực lượng làm công tác VSATTP của 3 ngành (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quá mỏng lại kiêm nhiệm nhiều việc.

 

* Ông Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế: UBND tỉnh đầu tư thêm kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý ATTP, đặc biệt là kinh phí để xây dựng, phát triển, nhân rộng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, mô hình điểm thức ăn đường phố và chợ điểm đảm bảo ATTP, kinh phí phục vụ công tác xét nghiệm mẫu thực phẩm.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, hiện nay, nhu cầu giết mổ, sản xuất chế biến ngày càng tăng nhưng công tác quy hoạch khu giết mổ, khu chế biến tập trung của tỉnh chưa đáp ứng đủ. Vì vậy, nhiều cơ sở không nằm trong vùng quy hoạch gặp khó khăn trong việc xây dựng và sửa chữa theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đủ điều kiện đảm bảo VSATTP. Hệ thống văn bản pháp luật về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tương đối đầy đủ nhưng còn chồng chéo, thường xuyên thay đổi nên mất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, đối chiếu, áp dụng và cụ thể hóa.

 

Ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trong công tác thanh tra, kiểm tra, 3 ngành phải bàn bạc để có kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn diện, tránh chồng chéo; phải xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, ngoài kiểm tra theo các đợt cao điểm, cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra kết hợp với tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến tại địa phương; chỉ đạo cấp xã tăng cường hoạt động này.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý chuyên ngành về VSATTP chưa đồng bộ, dẫn đến có nhiều cơ sở sản xuất được kiểm tra nhiều lần, có cơ sở lại không được kiểm tra. Số cuộc thanh tra, kiểm tra với hình thức đột xuất chưa nhiều, vẫn còn nặng về kiểm tra theo kế hoạch nên kết quả phát hiện, xử lý các lỗi vi phạm chưa cao. Nguồn lực, kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế, nhất là kinh phí cho công tác kiểm nghiệm thấp nên việc phát hiện vụ việc vi phạm gặp nhiều khó khăn.


Ông Nguyễn Hánh - Trưởng phòng Y tế thị xã Ninh Hòa cho biết, do thiếu kinh phí, trang thiết bị, nhân lực, ngành Nông nghiệp và Công Thương chưa phân cấp quản lý nên công tác quản lý VSATTP ở cấp xã hiện nay gần như bỏ trống. Việc kiểm tra, phát hiện lỗi vi phạm ở cấp này chỉ dừng ở mức nhắc nhở.


Ông Nguyễn Đắc Tài yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh cần phối hợp thực hiện tốt công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh với mục tiêu hạn chế thấp nhất các vụ vi phạm và số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chủ động xây dựng nội dung hoạt động năm 2017 có trọng tâm, trọng điểm và xác định nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên. Ngoài ra, ban chỉ đạo các cấp cần đẩy mạnh công tác truyền thông với những nội dung dễ hiểu, dễ nhớ; phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo đưa nội dung này vào trường học để tuyên truyền; mặt trận và các đoàn thể đưa nội dung ATTP vào chương trình hoạt động hàng năm….


T.L

 



Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh, 10 tháng năm 2016, toàn tỉnh đã thành lập 420 cuộc kiểm tra các cấp, kiểm tra hơn 5.170 cơ sở. Qua kiểm tra, số cơ sở đạt yêu cầu về VSATTP là hơn 3.890, chiếm hơn 75%; có 1.055 cơ sở vi phạm. Các đoàn đã tiến hành phạt cảnh cáo 760 cơ sở, tiêu hủy sản phẩm 5 cơ sở; phạt tiền 208 cơ sở với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Các đoàn đã lấy hơn 3.850 mẫu thực phẩm để xét nghiệm, có 1.161 mẫu không đạt (chiếm 30,7%); xét nghiệm nhanh 75 mẫu, có gần 50% mẫu không đạt; xét nghiệm 2 mẫu thức ăn chăn nuôi và hơn 1.000 mẫu nước tiểu heo tại 333 cơ sở chăn nuôi, phát hiện 1 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol.