10:11, 21/11/2016

Tác hại của hút thuốc thụ động

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khói thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút mà còn làm ô nhiễm môi trường, khiến những người xung quanh tuy không hút thuốc nhưng cũng hít phải khói thuốc. Những người thường xuyên hít phải khói thuốc cũng sẽ mắc các bệnh như người hút thuốc.

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khói thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút mà còn làm ô nhiễm môi trường, khiến những người xung quanh tuy không hút thuốc nhưng cũng hít phải khói thuốc. Những người thường xuyên hít phải khói thuốc cũng sẽ mắc các bệnh như người hút thuốc.


Kết quả nghiên cứu của WHO chỉ ra: hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc trong môi trường không khí, trong đó bao gồm khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy và khói thuốc do người hút thuốc thở ra. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc, cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc mà người hút thuốc thải ra không khí xung quanh gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc lá nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu thuốc một ngày. Mỗi năm có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. Trong đó, chiếm 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ.


Bác sĩ  Nguyễn Thế Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết, kết quả nghiên cứu của HealthBridge Canada cho thấy, đối với người không hút thuốc khi thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động sẽ bị tăng 25 - 30% nguy cơ bệnh tim mạch; tăng nguy cơ tai biến mạch máu não 20 - 30%; tăng nguy cơ bệnh ung thư phổi lên 25 - 30%. Thời gian tiếp xúc càng dài, mức độ tiếp xúc càng nhiều thì nguy cơ bệnh tật càng cao. Tương tự, trẻ em khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động hay ốm vặt; phổi phát triển kém, nhiều nguy cơ bị viêm phế quản - phổi. Nó còn làm tăng nguy cơ lên cơn hen ở trẻ và làm cho diễn biến của bệnh nặng hơn; tăng nguy cơ nhiễm trùng/viêm tai giữa (trẻ có bố mẹ hút thuốc lá tăng nguy cơ lên 48%). Ngoài ra, nó còn làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân (dưới 2500g); tăng nguy cơ đột tử trẻ nhỏ (tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với thuốc lá trong quá trình bào thai cao hơn trẻ em khác từ 1,4 đến 8,5 lần).

 


Tại Việt Nam, nhà hàng là một trong những địa điểm công cộng bị ô nhiễm khói thuốc thụ động cao nhất. Theo nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam, năm 2015, tỷ lệ người không hút thuốc lá phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại nhà hàng, quán bar, cà phê chiếm từ 80 đến 90%, gấp 2,3 lần so với các địa điểm khác như: các điểm giao thông công cộng, cơ quan nhà nước, trường học… Hiện nay, ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, một số nhà hàng đã thực hiện quy định cấm hút thuốc lá. Riêng tại Khánh Hòa, đến nay chưa có nhà hàng nào thực hiện quy định này. Chị Nguyễn Thị Linh (chủ một nhà hàng ở TP. Nha Trang) chia sẻ: “Tôi cũng biết tác hại của khói thuốc lá ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân viên và khách. Về kinh tế nó làm tăng chi phí nhân công do nhân viên nghỉ ốm; chi phí xử lý, thay thế, bảo dưỡng đồ đạc do khói thuốc ám mùi lên rèm cửa, khăn phủ bàn và các đồ đạc trong nhà hàng; chi phí quét dọn và làm tăng nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, nếu thực hiện việc cấm hút thuốc lá sẽ mất lượng khách lớn đến nhà hàng”.


Nghiên cứu của Chenoweth and Associates năm 2011 ở Mỹ cho thấy: quy định không khói thuốc trong nhà hàng và quán bar tại Bắc Carolina giúp tiết kiệm gần 4,7 triệu USD cho chi phí chăm sóc điều trị và chi trả nhân công y tế mỗi năm. Nghiên cứu của RTI International tại 9 bang của Mỹ cho thấy: chính sách cấm hút thuốc lá tại nhà hàng làm giảm sự tiếp xúc của người không hút thuốc với khói thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc lá, cải thiện sức khỏe của nhân viên nhà hàng, làm giảm cơn đau tim phải nhập viện trong dân số nói chung.


Đã có đầy đủ bằng chứng cho thấy khói thuốc thụ động gây ung thư phổi, bệnh tim mạch và hô hấp ở người lớn và nhiều bệnh nguy hiểm ở trẻ em. Khói thuốc thụ động chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và không có ngưỡng nào là an toàn cho việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Vì thế, hãy mạnh dạn nói không với thuốc lá vì không ai có quyền làm ô nhiễm bầu không khí chung bằng những chất độc hại có trong khói thuốc lá.


T.L