07:10, 27/10/2016

Kiểm tra sức khỏe phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay gồm: bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh hen phế quản.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay gồm: bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh hen phế quản.


Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 520.000 ca tử vong do  nguyên nhân bệnh tật, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%. Như vậy, tính trung bình cứ 10 người chết thì có 7 người chết vì bệnh không lây nhiễm. Đáng báo động hơn là 43% số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm lại rơi vào nhóm người dưới 70 tuổi. Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng bệnh tật kép, khi tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp thì tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm gia tăng liên tục trong gần 3 thập kỷ qua. Nếu năm 1986 tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tại các bệnh viện là 40%, thì năm 2010 tăng lên 71%.

 

Xét nghiệm đường huyết tại Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm
Xét nghiệm đường huyết tại Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm


Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Hiện tại, nước ta có gần 13 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, 2,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, mỗi năm có khoảng 125.000 người mắc mới ung thư. Riêng đối với bệnh đái tháo đường, các nghiên cứu cho thấy, sau 10 năm (từ 2002 đến 2012), tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần (từ 2,7% lên 5,4%) và có khoảng 3 triệu người bị đái tháo đường, trong đó, có tới trên 60% chưa được phát hiện bệnh. Đái tháo đường gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi. Vì thế, đái tháo đường nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả nam và nữ.


Bệnh đái tháo đường có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như: dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Hiện nay, có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc, trong số nam giới uống rượu bia có 1/4 uống ở mức nguy hại, khoảng 2/3 số người dân ăn thiếu rau và trái cây và có tới gần 30% thiếu hoạt động thể lực. Sự gia tăng các hành vi nguy cơ đã dẫn tới các rối loạn sinh - chuyển hóa như thừa cân béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu, từ đó dẫn tới mắc bệnh.


Để tăng cường phòng, chống bệnh không lây nhiễm, cùng với việc triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu y tế, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025. Trong đó, đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để kiểm soát sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Việc ban hành Chiến lược quốc gia đã thể hiện cam kết của Chính phủ, quyết tâm của Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh đái tháo đường nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung.


Theo Bộ Y tế, để dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường, về mặt chính sách cần tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường….; hệ thống y tế cần được củng cố để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện. Đồng thời, chú trọng phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới bác sỹ gia đình; cung cấp các dịch vụ dự phòng, tư vấn đầy đủ cho người dân bảo đảm người nguy cơ cao, người mắc bệnh đái tháo đường được phát hiện sớm, quản lý điều trị liên tục và lâu dài tại cộng đồng.


Công tác dự phòng đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong phòng, chống các yếu tố nguy cơ và phát hiện sớm bệnh. Để phòng, chống bệnh đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm, mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia; thường xuyên kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi. Người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.


BSCKII. TÔN THẤT TOÀN
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK Khánh Hòa)