10:10, 09/10/2013

Điều trị tai nạn lặn biển bằng oxy cao áp

Khánh Hòa có nhiều ngư dân làm nghề lặn bắt cá, tôm. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh còn có thêm các dịch vụ du lịch lặn biển. Cho nên vấn đề trang bị kiến thức cho người lặn biển, nhất là ngư dân; nghiên cứu, ứng dụng phương pháp mới để cứu chữa bệnh nhân bị tai nạn do lặn sao cho hiệu quả là vấn đề rất đáng quan tâm…

Khánh Hòa có nhiều ngư dân làm nghề lặn bắt cá, tôm. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh còn có thêm các dịch vụ du lịch lặn biển. Cho nên vấn đề trang bị kiến thức cho người lặn biển, nhất là ngư dân; nghiên cứu, ứng dụng phương pháp mới để cứu chữa bệnh nhân bị tai nạn do lặn sao cho hiệu quả là vấn đề rất đáng quan tâm…


Lặn - nghề đặc biệt nguy hiểm


Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, nghề lặn khai thác hải sản là nghề đặc biệt độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Khi đã xuống nước sâu, người thợ lặn phải hoạt động trong môi trường cao áp, khi hít thở đều là không khí cao áp, ôxy bị tiêu hao hết, nhưng còn lại khí nitơ trong cơ thể. Nếu nổi lên thật nhanh, do áp suất nước giảm, nitơ trong máu người thợ lặn bị giãn nở nhanh tạo nên những bọt khí làm tắc mạch máu, sinh ra tai nạn do giảm áp.

 

 Mô hình “điều trị liệt chi do tai biến lặn bằng liệu pháp oxy cao áp”.
Điều trị liệt chi do tai biến lặn bằng liệu pháp oxy cao áp.


Nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Thị Thanh Tú - Viện Pasteur Nha Trang, cho thấy: Trong 668 ngư dân lặn của hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa, tỷ lệ tai biến do giảm áp chiếm đến 34,4%; trong đó có 24,7% bệnh nhân bị giảm áp liệt trên 3 tháng vẫn chưa hồi phục.


Tai nạn lặn xảy ra ở tất cả nhóm tuổi; trong đó, độ tuổi dưới 40 chiếm đến gần 83%. Đặc thù của nghề lặn là cần những người trẻ, khỏe mạnh và chỉ có nam giới mới làm được. Những người hành nghề lặn trẻ nhất mới chỉ 17 tuổi và lớn nhất là 54 tuổi. Khi tai nạn xảy ra mà không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp sẽ để lại di chứng và hậu quả xấu, không chỉ đối với người bệnh mà cả với gia đình và xã hội.


Hiện nay, hầu hết thợ lặn chưa có kiến thức về nghề lặn cũng như cấp cứu khi bị tai biến do lặn. Ngư dân chủ yếu tự học hỏi kinh nghiệm trong những đợt lặn và hầu như không được đào tạo, huấn luyện lặn bài bản. Phương tiện, trang bị cho nghề lặn cũng thiếu thốn khi có đến 92,5% thợ lặn sử dụng dây thở qua máy nén khí trên ghe, tàu. Số thợ lặn được trang bị máy lặn cá nhân rất ít. Những sự cố thường gặp là: Đứt ống dẫn khí, gấp ống dẫn khí, sặc dầu máy trong khí thở. Ngư dân cũng thường lặn vượt thời gian. Khi lặn ở độ sâu từ 20m trở lên, ngư dân thường vượt thời gian gấp hơn hai lần cho phép nên khả năng gặp tai nạn là rất cao.


Hiệu quả điều trị bằng oxy cao áp


Việc nghiên cứu và ứng dụng thành công đề tài “Đánh giá hiệu quả điều trị liệt chi do tai biến lặn bằng liệu pháp oxy cao áp” do bác sĩ Bùi Minh Thuận - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh làm chủ nhiệm đã mở ra hướng mới để “điều trị liệt chi do tai biến lặn biển” nhanh, hiệu quả và ít tốn kém. Bác sĩ Bùi Minh Thuận cho biết: Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, việc ứng dụng liệu pháp oxy cao áp đã cứu sống và phục hồi các chức năng cho hơn 90 ngư dân bị liệt chi do giảm áp khi lặn biển.


Ứng dụng liệu pháp oxy cao áp mang lại hiệu quả cao trong điều trị khi bệnh nhân hồi phục hoàn toàn chiếm 64,2%; hồi phục gần hoàn toàn 22,6%; trung bình 3,8%. Có trên 94% bệnh nhân bị rối loạn cơ vòng; gần 94% bệnh nhân bị rối loạn cảm giác phục hồi hoàn toàn. Tổng số ngày điều trị bình quân là khoảng 10 ngày. Trong quá trình điều trị, không có trường hợp nào có biểu hiện ngộ độc oxy hoặc tai biến khác do điều trị bằng oxy cao áp gây nên.


Theo bác sĩ Bùi Minh Thuận, việc ứng dụng đề tài này còn có rất nhiều ý nghĩa. Trước hết là chi phí điều trị thấp, khoảng 150.000 đồng/ngày. Bệnh nhân bị tai nạn lặn thường phải điều trị 10 ngày, chi phí hết khoảng 5 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 so với phương pháp điều trị thông thường. Phương pháp này điều trị ngắn ngày, đạt hiệu quả cao và ít tốn kém đã giúp rất nhiều người làm nghề lặn. Vì đa số bệnh nhân bị tai nạn lặn là những người đi làm thuê, có hoàn cảnh khó khăn; nhiều người trong số họ tuổi đời còn trẻ và là trụ cột trong gia đình.


Với việc thành công trong ứng dụng liệu pháp oxy cao áp, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Khánh Hòa đã và đang là địa chỉ tin cậy trong điều trị bệnh do tai nạn lặn của nhiều ngư dân ở khu vực miền Trung.


Trọng Tuấn