10:01, 05/01/2017

Nhân rộng mô hình làm phân bón từ rác thải

Sau một thời gian thí điểm tại xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), mô hình "Xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ bằng thùng nhựa" đã đạt được kết quả tích cực. Vì thế, việc nhân rộng mô hình này đang được các cấp hội nông dân trong toàn tỉnh hướng đến.

Sau một thời gian thí điểm tại xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), mô hình “Xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ bằng thùng nhựa” đã đạt được kết quả tích cực. Vì thế, việc nhân rộng mô hình này đang được các cấp hội nông dân trong toàn tỉnh hướng đến.


Mô hình được triển khai tại thôn Lộc Thọ (xã Vạn Long) từ tháng 6-2016. Thôn Lộc Thọ có 376 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu. Hệ thống thu gom rác thải của thôn mới đáp ứng được khoảng 2/3 số hộ, phần còn lại các hộ tự xử lý. Với tính chất của một mô hình điểm nên lãnh đạo xã trực tiếp làm trưởng ban điều hành, đồng thời chọn 30 hộ đáp ứng đầy đủ các điều kiện tham gia mô hình. Sau quá trình tập huấn kỹ thuật và chuyển giao trang thiết bị cho các hộ, mô hình bắt đầu đi vào thực hiện. Một hộ tham gia mô hình cho biết: “Tôi được cấp phát 1 thùng nhựa loại 160 lít và 3 giỏ đựng rác để phân loại rác thải trong sinh hoạt, sản xuất thường ngày. Các loại rác hữu cơ như: rau, củ, quả, rơm rạ, lá cây, thực phẩm thừa, phân gia súc gia cầm… được bỏ vào thùng nhựa để ủ thành phân. Xung quanh thùng nhựa này được khoan nhiều lỗ tròn để lưu thông khí, bên dưới có một cánh cửa để lấy phân khi đã ủ xong. Thực hiện đúng kỹ thuật ủ, sau hơn 2 tháng, rác thải sẽ được các loại vi sinh vật phân hủy biến thành phân hữu cơ”.

 

Một hộ dân ở Vạn Long đang bón phân hữu cơ cho vườn cây của mình
Một hộ dân ở Vạn Long đang bón phân hữu cơ cho vườn cây của mình


Theo ông Trần Kỳ Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Long, đây là một kỹ thuật còn khá mới mẻ đối với người dân trong xã. Vì thế, Hội Nông dân xã đã thường xuyên đôn đốc, kịp thời hướng dẫn người dân thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật. Hàng tháng, Tỉnh hội đều tiến hành kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện mô hình. Qua đó nhận thấy, quy trình ủ rác thải hữu cơ thành phân bón đều được người dân thực hiện khá tốt.


Trong buổi tổng kết thực hiện mô hình “Xử lý rác thải thành phân hữu cơ bằng thùng nhựa” mới được tổ chức, đa số các hộ tham gia đều khẳng định mô hình đã mang lại hiệu quả. Ông Huỳnh Tào, hộ tham gia mô hình cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, phân hữu cơ tơi xốp, hạt mịn, không có mùi hôi thối, dùng bón cho cây cảnh, rau màu đều rất hiệu quả. Đặc biệt, bón loại phân này cho vườn rau thấy ít sâu rầy hơn, rau xanh tốt, ra lá rất nhiều”.


Bà Trần Thị Kim Liên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Mô hình bước đầu đã khẳng định tính hiệu quả, phù hợp với đời sống, sinh hoạt của người dân vùng nông thôn. Trong đó, việc thực hiện mô hình đem lại nhiều lợi ích như: hạn chế được ô nhiễm không khí do đốt rác, đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng; giảm được lượng rác thải như: rơm rạ, lá cây, phân chuồng đổ, vứt bừa bãi xuống mương, rãnh thoát nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường khu vực nông thôn; từng bước tạo thói quen thu gom, phân loại rác thải trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đặc biệt, mô hình còn mang lại lợi ích kinh tế khi loại phân hữu cơ bổ sung chất dinh dưỡng cho đất trồng cây, giảm bớt chi phí sử dụng phân hóa học. Trong thời gian đến, cùng với quá trình rút kinh nghiệm từ những mặt được và hạn chế của mô hình điểm nhằm xây dựng mô hình mới tốt hơn, hoạt động tham quan học tập nhân rộng mô hình sẽ được hội nông dân các cấp thực hiện. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh sẽ đề xuất hỗ trợ kinh phí sự nghiệp môi trường của xã, huyện để hỗ trợ xây dựng mô hình”.


H.Đ