08:12, 26/12/2016

Nha Trang: Nan giải dời các cơ sở gây ô nhiễm

Hiện nay, danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Nha Trang buộc phải di dời đã được xác định. Tuy nhiên, việc di dời đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hiện nay, danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Nha Trang buộc phải di dời đã được xác định. Tuy nhiên, việc di dời đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.


78 cơ sở cần di dời


Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách, thời hạn di dời 46 cơ sở (24 cơ sở mổ heo, 18 mổ gà, 4 mổ bò) trên địa bàn 15 xã, phường tại TP. Nha Trang. Từ ngày 1-1-2018, tất cả các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP. Nha Trang nằm ngoài khu giết mổ tập trung phải ngưng hoạt động. Các tổ chức, cá nhân đăng ký mới loại hình giết mổ chỉ được hoạt động sản xuất, chế biến trong khu giết mổ tập trung của TP. Nha Trang.

 

Một cơ sở sản xuất nước mắm tại TP. Nha Trang
Một cơ sở sản xuất nước mắm tại TP. Nha Trang


Đối với 6 cơ sở chế biến thủy sản, Sở TN-MT đề nghị các đơn vị này xây dựng phương án di dời vào 1 trong 3 khu, cụm công nghiệp đang và chuẩn bị hoạt động trên địa bàn tỉnh: Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm), Khu công nghiệp Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa) và Cụm công nghiệp Trảng É (xã Phước Đồng, Nha Trang). Đối với các cơ sở chế biến nước mắm, UBND TP. Nha Trang đã xác định danh sách 26 cơ sở cần di dời với tổng diện tích cần bố trí sản xuất gần 26ha. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh (đang hoạt động) được thành lập với mục đích thu hút đầu tư không có ngành nghề chế biến nước mắm. Bên cạnh đó, quá trình chế biến nước mắm phát sinh mùi đặc trưng ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, cần có khoảng cách ly phù hợp. Do vậy, hiện nay, Sở TN-MT vẫn chưa xác định được vị trí di dời cho các cơ sở này.


Còn nan giải


Tuy đã có chủ trương di dời các cơ sở giết mổ vào khu tập trung, song đến nay vấn đề này vẫn còn nhiều nan giải. Theo lãnh đạo Ban quản lý các công trình xây dựng Nha Trang, sau khi có quyết định của UBND tỉnh về việc di dời các lò mổ vào khu giết mổ tập trung trước ngày 31-12-2017, Dự án khu giết mổ tập trung tại Phước Đồng và phương án hỗ trợ di dời phải điều chỉnh liên tục cho phù hợp với quy mô và điều kiện thực tế của giai đoạn đầu.  


Đối với việc di dời các cơ sở chế biến thủy sản vào khu, cụm công nghiệp, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT đã tiến hành họp các doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan. Trong số 6 doanh nghiệp buộc di dời, chỉ còn 2 doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch di dời là: Công ty TNHH Thực phẩm Sakura và Công ty TNHH Vân Như; 4 doanh nghiệp còn lại vì nhiều lý do không tiếp tục hoạt động tại vị trí cũ…

 

Một cơ sở giết mổ heo tại TP. Nha Trang
Một cơ sở giết mổ heo tại TP. Nha Trang


Ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, đối với việc di dời các cơ sở chế biến nước mắm, khó nhất vẫn là quỹ đất, những nơi có quỹ đất lại xa cảng, xa vùng tập kết nguyên liệu nên các doanh nghiệp không đồng tình. Những cảng cá trên địa bàn Nha Trang hiện nay là: Hòn Rớ, Vĩnh Lương không còn quỹ đất. Cảng cá ở xa như: Đại Lãnh, Cam Ranh ít phù hợp cho ngành nghề nước mắm. Bên cạnh đó, diện tích cho một cụm sản xuất ngành nghề nước mắm theo nhu cầu cần có 50ha, ngoài nhà xưởng còn quy hoạch giao thông, cây xanh, xử lý nước thải...; vốn đầu tư hạ tầng khá lớn khoảng 100 tỷ đồng. Chưa kể, khi xây dựng xong chưa chắc đã kêu gọi được doanh nghiệp vào, khi đó sẽ rất lãng phí, còn kêu gọi xã hội hóa thì rất khó.


Trước tình hình đó, Sở TN-MT đã đề nghị UBND tỉnh cho phép hoãn thời hạn báo cáo kế hoạch di dời đến quý I/2017 đối với các cơ sở chế biến thủy sản. Đồng thời, Sở TN-MT sẽ làm việc với các sở, ngành để thống nhất vị trí di dời phù hợp về quy hoạch sử dụng đất, xây dựng và báo cáo UBND tỉnh trong quý I/2017 về vấn đề di dời các cơ sở sản xuất nước mắm.


V.L