01:07, 23/07/2016

Cần chấn chỉnh những vấn đề bất cập

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, để chuẩn bị một kỳ thi vào lớp 10 như trước đây, phải tốn kém một khoản ngân sách rất lớn cho công tác tổ chức các hội đồng coi thi, chấm thi, còn học sinh và phụ huynh thì vô cùng lo lắng, căng thẳng. ...

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), để chuẩn bị một kỳ thi vào lớp 10 như trước đây, phải tốn kém một khoản ngân sách rất lớn cho công tác tổ chức các hội đồng coi thi, chấm thi, còn học sinh (HS) và phụ huynh thì vô cùng lo lắng, căng thẳng. Mức độ quan trọng của kỳ thi tuyển vào lớp 10 thể hiện ở việc khi lên lớp 9, nhiều HS học đối phó môn phụ và dốc sức cho việc ôn tập một số môn thi. Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh còn cho con đi học thêm ở các lò luyện thi hay thuê gia sư kèm tại nhà với hy vọng con có thể thi đỗ vào một trường THPT có chất lượng tốt. Trong khi đó, hàng năm, tỉnh phải tuyển ít nhất 80% số HS tốt nghiệp THCS vào lớp 10 các trường công lập nên việc tổ chức thi tuyển sẽ gây thêm nhiều áp lực và lãng phí.

 

Học sinh trong giờ ra chơi
Học sinh trong giờ ra chơi


Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT đã từng nhận định, nhìn vào tỷ lệ HS của tỉnh đạt điểm cao và trúng tuyển đại học, cao đẳng tăng hàng năm, có thể thấy chất lượng GD có chuyển biến tích cực. Đặc biệt năm 2015, những HS đầu tiên được tuyển sinh theo phương thức xét tuyển vào lớp 10 khi tham gia thi THPT quốc gia có kết quả rất khả quan với tỷ lệ đỗ đại học đạt 48%, cao hơn 18% so với năm 2014 và hơn 22% so với năm 2013. Ông Lê Tấn Sĩ - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang) cũng khẳng định, chất lượng đầu vào của nhà trường trong những năm áp dụng phương thức xét tuyển vào lớp 10 vẫn được đảm bảo. Bởi việc xét tuyển đánh giá được cả quá trình phấn đấu, rèn luyện của cả 4 năm cấp THCS. Nếu tổ chức thi tuyển, sẽ rất tốn kém cho ngân sách và đáng tiếc cho những HS “học tài” nhưng “thi phận”.


Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tuy việc thi cử rất áp lực, nhưng việc xét tuyển vào lớp 10 cũng gây áp lực không nhỏ cho HS: áp lực trong suốt 4 năm học THCS và áp lực về tỷ lệ “chọi” của các trường THPT, nhất là những trường đầu bảng như: Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi... Tuy Sở GD-ĐT cho phép HS được đăng ký 2 nguyện vọng vào 2 trường trên cùng địa bàn tuyển sinh, song vì điểm tham gia xét tuyển nguyện vọng 2 phải lớn hơn ít nhất 3 điểm so với nguyện vọng 1 của trường đó nên nhiều HS dù điểm cao cũng không dám mạo hiểm đăng ký nguyện vọng 2 vào 1 trường top trên. Bởi nếu không đủ điểm đậu, các em chỉ có cách học trường tư thục. Áp lực về điểm số, học lực cũng được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay mà ngành GD chưa thể chấn chỉnh được.


Một số giáo viên THCS tại Nha Trang cho biết, đã có tình trạng “chạy” điểm, “chạy” hạnh kiểm cho con để có học bạ đẹp. Vì thế, điểm số sẽ là “ảo”, không phản ánh đúng thực chất năng lực của HS. Đồng thời, vì chỉ tiêu đề ra và áp lực thành tích mà nhiều trường đua nhau nâng tỷ lệ HS giỏi. Bên cạnh đó, việc đánh giá, xếp loại HS của các trường THCS không có một quy chuẩn nhất định nên danh hiệu HS giỏi giữa các trường sẽ khó mà đồng đều. Và quả thực, Sở GD-ĐT đã từng thanh tra, kiểm tra đột xuất và phát hiện sai phạm ở một số trường như: điều chỉnh điểm, vào điểm học bạ không khớp với sổ ghi điểm…


Để góp phần đảm bảo công bằng cho việc xét tuyển, sở đã ra đề thi chung học kỳ 2 cho HS lớp 9 toàn tỉnh đối với 5 môn, đồng thời tiến hành chấm thẩm định qua nhiều khâu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập mà các nhà quản lý chưa thể giải quyết triệt để. Trước thực trạng đó, nhiều phụ huynh và giáo viên cho rằng, nên thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 bằng hình thức thi tuyển ở một số địa bàn “nóng”, đặc biệt là TP. Nha Trang.


H. NGÂN