09:01, 16/01/2014

Khơi nguồn ý tưởng và đam mê sáng tạo

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2013 - 2014 do Sở Giáo dục và Đào tạo  Khánh Hòa tổ chức là một sân chơi mới đầy bổ ích. Qua đó, khơi nguồn ý tưởng, niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn của học sinh.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh (HS) trung học năm học 2013 - 2014 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa tổ chức là một sân chơi mới đầy bổ ích. Qua đó, khơi nguồn ý tưởng, niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn của HS.
 
 
 
Năm học 2013 - 2014 là năm thứ hai Sở GD-ĐT tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học. So với lần đầu tổ chức, cuộc thi năm nay không chỉ vượt trội về số lượng dự thi mà chất lượng các sản phẩm cũng kết tinh nhiều chất xám, sức sáng tạo, khả năng phát hiện vấn đề của HS. Trong số 30 sản phẩm dự thi (17 sản phẩm tập thể và 13 sản phẩm cá nhân), có 18 sản phẩm đoạt giải. Trong đó, 4 sản phẩm đoạt giải nhì (không có giải nhất) được cử tham dự cuộc thi quốc gia tổ chức tại Cần Thơ từ ngày 28-2 đến 2-3-2014. 
 
 
 
Học sinh Hoàng Trung Hiếu (lớp 11 chuyên Tin - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) thuyết trình sản phẩm dự thi.
Học sinh Hoàng Trung Hiếu (lớp 11 chuyên Tin - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) thuyết trình sản phẩm dự thi.

 

 

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong cuộc thi này khi có 4 sản phẩm đoạt giải/6 sản phẩm dự thi. Tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, các sản phẩm của HS nhà trường được hình thành từ những ý tưởng xuất phát từ mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu, quản lý các lĩnh vực trong đời sống, bảo mật thông tin... Sản phẩm Tính toán trên hệ đếm nhị phân của nhóm HS: Hoàng Trung Hiếu, Nguyễn Phạm Xuân Thắng, Đỗ Thanh Phong (lớp 11 chuyên Tin học) đoạt giải nhì cuộc thi được đánh giá cao. Em Hoàng Trung Hiếu cho biết: “Trong công việc cũng như học tập, hầu như ai cũng có một chiếc máy tính điện tử. Thế nhưng, mọi người chỉ biết sử dụng mà không biết nguyên lý cơ bản của máy tính điện tử như thế nào, tại sao nó hoạt động như thế nên chúng em đã nghiên cứu, mô phỏng lại gần như chính xác hoạt động của máy tính điện tử, giúp mọi người nắm được những nguyên lý cơ bản của nó. Từ nền tảng này sẽ xây dựng những sản phẩm tốt hơn, ứng dụng trong cuộc sống”. 

 

 
Ông Trần Quang Mẫn - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, so với năm ngoái, cuộc thi năm nay có nhiều ý tưởng rất cụ thể, mang tính ứng dụng cao, giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống như: Chế phẩm nước rửa chén sinh học từ nha đam, vỏ bưởi và tro bếp; Hệ thống đánh vôi tự động sử dụng trong nuôi thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và năng suất lao động; Máy chà nền nhà; Hệ thống lọc nước tinh khiết; Mạch điện chống trộm và tự điều khiển đèn, quạt trong phòng học; Thiết bị cảnh báo chưa ngắt điện phòng học... Đặc biệt, cuộc thi năm nay có sự tham gia của nhiều HS lớp 9 và sản phẩm Kính thiên văn phản xạ của nhóm HS: Lê Hoài Bảo, Võ Thành Đạt, Đỗ Hữu Ngọc Tấn (Trường THCS Nguyễn Du, huyện Diên Khánh) đoạt giải nhì cuộc thi đã khẳng định năng lực sáng tạo của HS trung học Khánh Hòa. “Nếu HS được quan tâm, tạo điều kiện, động viên tốt cộng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của các thầy cô giáo, thì ý tưởng của các em sẽ trở thành một sản phẩm hữu ích. Cuộc thi này rất có ý nghĩa đối với lứa tuổi HS, với nhà trường và các bậc phụ huynh; là sân chơi mới bổ ích, là tiền đề để HS trung học trong tỉnh thi tài, khơi dậy sự đam mê sáng tạo ngay từ lứa tuổi học trò”, ông Trần Quang Mẫn khẳng định. 
 
 
 
Lần đầu tham gia cuộc thi nhưng đã đoạt giải cao, em Võ Thành Đạt (HS lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Du) tự hào khoe: “Chiếc kính thiên văn nhỏ bé do chúng em tự chế tạo sẽ giúp các bạn HS thỏa mãn phần nào ước mơ quan sát các hành tinh trong vũ trụ. Tuy phát động trong một thời gian ngắn, song cuộc thi đã khơi nguồn, tạo điều kiện cho chúng em nghiên cứu và hoàn thành sản phẩm dự thi. Có thể nói, cuộc thi đã tạo cơ hội cho chúng em được vận dụng kiến thức đã học ở phổ thông vào thực tế, thể hiện rõ nguyên lý “học đi đôi với hành”, giúp chúng em làm quen với công tác nghiên cứu khoa học, thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo của mình”.
 
 
 
THU HIỀN