11:07, 23/07/2018

An toàn vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng: Còn nhiều thiếu sót

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội vừa thực hiện đợt thanh tra việc chấp hành các quy định về lao động, an toàn vệ sinh lao động tại 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Qua đó cho thấy, còn khá nhiều quy định DN thực hiện chưa nghiêm túc cần sớm chấn chỉnh.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội vừa thực hiện đợt thanh tra việc chấp hành các quy định về lao động, an toàn vệ sinh lao động tại 11 doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Qua đó cho thấy, còn khá nhiều quy định DN thực hiện chưa nghiêm túc cần sớm chấn chỉnh.


Khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng là lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Năm 2016, tai nạn lao động trong lĩnh vực này chiếm 11,4% trên tổng số vụ tai nạn lao động; năm 2017 tỷ lệ này là 9,2%.  Do vậy, đầu năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai thanh tra toàn diện đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Thời gian thực hiện thanh tra từ tháng 1 đến tháng 10-2018.

 

Thực hiện chỉ đạo của bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện thanh tra tại 11 DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Qua thanh tra cho thấy, nhiều DN đã thực hiện tốt việc phổ biến, niêm yết các nội quy, quy trình vận hành các loại trang thiết bị chuyên dụng, các biện pháp an toàn vệ sinh lao động; thành lập và triển khai hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Các DN cũng đã trang bị các phương tiện, trang thiết bị y tế phục vụ việc ứng cứu, sơ cứu khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động; tổ chức thực hiện định kỳ công tác quan trắc môi trường lao động, xây dựng nội quy lao động. Từ đó, giúp công tác khai thác tại hiện trường được đảm bảo an toàn.

 

Một doanh nghiệp sản xuất đá granite tại huyện Vạn Ninh.

Một doanh nghiệp sản xuất đá granite tại huyện Vạn Ninh.

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định mà các DN chưa thực hiện nghiêm túc. Nhiều DN chưa xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động hoặc có kế hoạch nhưng nội dung chưa đầy đủ; không bố trí cán bộ làm công tác an toàn lao động, công tác y tế; hoặc chưa ký hợp đồng với cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe cho người lao động (NLĐ). Một số DN chưa tổ chức đào tạo, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, hoặc có đào tạo nhưng chưa đạt chỉ tiêu 100% số lao động tham dự; có những DN chưa đầu tư trang bị hoặc trang bị chưa đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho NLĐ; chưa thực hiện tốt chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho NLĐ. Bên cạnh đó, một số DN chưa thực hiện đầy đủ các quy định về ký kết hợp đồng lao động, nội dung hợp đồng lao động, ký đúng loại hợp đồng lao động với NLĐ. Ngoài ra, còn một số vi phạm trong việc xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ; lập sổ quản lý lao động, phân loại lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…


Sau thanh tra, sở đều yêu cầu trong thời hạn 30 đến 45 ngày kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra, các DN phải khẩn trương khắc phục những nội dung chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, báo cáo kết quả cho sở. Nếu DN vẫn chưa chấn chỉnh thì sở sẽ áp dụng những biện pháp xử lý nghiêm.


Có thể nói, khi DN thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật thì mọi rủi ro đều có thể phòng tránh được. Do đó, DN cần chủ động xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch an toàn vệ sinh lao động; có biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ; biện pháp kỹ thuật vệ sinh lao động; phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; trang bị và cung cấp các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; chăm sóc sức khỏe NLĐ và thực hiện tốt các hoạt động truyền thông giáo dục, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động.


Nguyễn Thị Thanh Hoa
(Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)