11:05, 06/05/2018

Nhiều giải pháp quản lý thuế của doanh nghiệp

Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, tính đến ngày 30-4, tổng số nộp ngân sách do ngành Thuế tỉnh thực hiện đạt 5.094 tỷ đồng.

Đóng góp tích cực vào nguồn thu


Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, tính đến ngày 30-4, tổng số nộp ngân sách do ngành Thuế tỉnh thực hiện đạt 5.094 tỷ đồng. Trong đó, tổng thu thuế từ các doanh nghiệp (DN) đạt 2.906 tỷ đồng, bằng 116,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, DN Nhà nước Trung ương và DN Nhà nước địa phương chiếm 24,5% trong tổng số nộp ngân sách do ngành Thuế tỉnh quản lý; DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,4%; DN ngoài quốc doanh chiếm 29,2%...

 

Nhìn chung, thời gian qua, đại bộ phận DN, doanh nhân đã tự giác kê khai, nộp thuế kịp thời vào ngân sách nhà nước. Ông Phan Thái Bình - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đại An cho biết, trong quá trình hoạt động, công ty luôn ý thức nộp thuế là nghĩa vụ của DN. Vì vậy, đơn vị luôn thực hiện đầy đủ, nhanh chóng việc nộp thuế; doanh thu phát sinh đến đâu kê khai nộp thuế đến đó. Cơ quan thuế đã đồng hành, hỗ trợ kịp thời cho DN trong việc thực hiện các chính sách pháp luật thuế…

 

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở TP. Nha Trang.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở TP. Nha Trang.

 

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp  


Thực tế, ngành Thuế tỉnh thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện một số khoản thu chưa bền vững; một số DN trọng điểm bị thiệt hại lớn do cơn bão số 12 năm 2017 nên khả năng huy động thuế năm 2018 bị giảm sút, công tác đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế gặp khó khăn hơn. Điều đáng nói, tính đến ngày 30-4, toàn tỉnh có 2.275 DN tự giải thể, ngừng, nghỉ kinh doanh không khai báo, bỏ địa chỉ kinh doanh để nợ thuế không có khả năng thu 86,39 tỷ đồng.  


Đặc biệt, tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp còn diễn biến phức tạp nên việc quản lý thuế ngày càng khó khăn. Mặt khác, công tác quản lý DN còn hạn chế, nhất là việc nắm bắt đặc thù kinh doanh từng lĩnh vực, ngành nghề. Từ đó, dẫn đến hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chưa cao. Việc quản lý thuế đối với hoạt động xây dựng, vận tải, khai thác tài nguyên, bán hàng vãng lai, bán và cấp hóa đơn lẻ, bán hàng đa cấp, qua mạng... còn bất cập.


Theo ông Nguyễn Văn Trang - Trưởng phòng Tổng hợp Nghiệp vụ Dự toán Cục Thuế tỉnh, thời gian tới, ngành Thuế tỉnh tiếp tục đề ra các biện pháp tăng cường quản lý hiệu quả DN; phổ biến kịp thời các chính sách thuế mới ban hành; đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử. Đồng thời, sẽ thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính thuế theo cơ chế một cửa nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan thuế thực hiện phân tích chuyên sâu, xác minh thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin trước khi thanh tra, kiểm tra tại đơn vị để đạt hiệu quả hơn.

 

Hiện nay, toàn ngành Thuế tỉnh quản lý 11.070 DN, trong đó có 9.895 công ty và 1.175 chi nhánh, văn phòng đại diện. Trên địa bàn tỉnh có hơn 95% DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, số DN lớn rất ít.

Bên cạnh đó, tập trung quyết liệt công tác thu nợ thuế; xử lý các trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn...


Cùng với đó, cơ quan thuế còn phối hợp với các sở, ngành xử lý nợ thuế của các DN thực hiện các dự án đầu tư, DN vãng lai, DN hoạt động lĩnh vực xây dựng cơ bản... và báo cáo UBND tỉnh biết, chỉ đạo; rà soát các DN, tổ chức chưa nộp hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế để đôn đốc nộp tờ khai. Mặt khác, các chi cục thuế tăng cường kiểm tra các DN mới thành lập nhưng không có ngành nghề kinh doanh chủ đạo, mua bán tất cả các mặt hàng theo nhu cầu của khách... và khi tra cứu trên website ngành Thuế các DN này đã bỏ địa chỉ hoặc tạm ngưng kinh doanh...


Ngoài ra, tỉnh và các cơ quan chức năng cũng cần có chính sách, giải pháp kịp thời để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, tăng doanh thu để góp phần vào việc nộp ngân sách địa phương.


NGUYỄN KIM