09:07, 10/07/2017

16 năm gắn bó với công tác dân số

Bà Nguyễn Thị Kiên (sinh năm 1956), cộng tác viên dân số thôn Hà Già, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh gắn bó với nghề đã hơn 16 năm. Bà luôn được người dân yêu mến bởi sự tận tâm với công việc, giúp người dân trong thôn hiểu được về bình đẳng giới, vị thế phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội.

Bà Nguyễn Thị Kiên (sinh năm 1956), cộng tác viên dân số thôn Hà Già, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh gắn bó với nghề đã hơn 16 năm. Bà luôn được người dân yêu mến bởi sự tận tâm với công việc, giúp người dân trong thôn hiểu được về bình đẳng giới, vị thế phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội.


Thôn Hà Già là một làng biển nên các hộ gia đình thường sinh đông và trọng nam để nối nghề. Bà Kiên làm công tác dân số từ năm 2001. Khi ấy, cuộc sống của người dân trong thôn còn nghèo, nhận thức hạn chế nên công việc vận động giảm sinh gặp không ít khó khăn, nhất là những hộ chưa có con trai. Tận dụng lợi thế là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, bà kết hợp vừa thăm hỏi, cập nhật thông tin vay vốn hộ nghèo, vừa vận động, cung cấp phương tiện tránh thai và hướng dẫn chị em phụ nữ cách tránh thai hiệu quả. Trên cơ sở tổng hợp số liệu thu thập được, bà chia nhóm phụ nữ theo từng cụm nhỏ để tuyên truyền theo chủ đề cho phù hợp, đặc biệt giải thích cho họ hiểu về những hậu quả do sinh đông… Nhờ đó, nhận thức của người dân đã dần thay đổi.

 

Bà Kiên tuyên truyền về bình đẳng giới cho phụ nữ trong thôn

Bà Kiên tuyên truyền về bình đẳng giới cho phụ nữ trong thôn


Anh Nguyễn Đức Tín (sinh năm 1979) làm nghề buôn bán hải sản trong thôn cho biết, vợ chồng anh sinh 2 bé gái nên có ý định sinh thêm. Bà Kiên thường xuyên tới nhà nói chuyện, hướng cho gia đình nên dành thời gian phát triển kinh tế, nuôi con ăn học. “Nghe bà Kiên tuyên truyền về bình đẳng nam nữ, vai trò của trẻ em gái nên tôi quyết định không sinh nữa. Bây giờ, con gái lớn của tôi đã học lớp 7, biết giúp đỡ bố mẹ, tự giác dạy em học. Tôi rất hài lòng với cuộc sống gia đình mình”. “Gia đình tôi cũng nghe lời bà Kiên nên sau khi sinh 2 con gái, vợ chồng tôi không sinh nữa. Bây giờ 2 cháu là học sinh giỏi của trường nên tôi vui lắm”, chị Dương Ngọc Bé ở cùng thôn chia sẻ.


Nhờ sự tuyên truyền vận động tích cực của bà Kiên, đến nay, mọi phụ nữ trong thôn đã biết chủ động kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tình trạng sinh đông, sinh dày còn rất ít. Cụ thể, thôn có 329 hộ, 1.539 khẩu, số phụ nữ có chồng là 265 người nhưng đã có 209 người áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại, chỉ có 3 hộ sinh con thứ 3 trở lên. Bà Kiên chia sẻ: “Tôi thấy thương những cháu gái bị gia đình bắt nghỉ học để đi mò cua, bắt ốc, phụ giúp gia đình nên cố gắng thay đổi cách nhìn của người dân, đặc biệt đối với phụ nữ. Tôi làm theo kiểu mưa dầm thấm lâu, nhấn mạnh về vai trò của trẻ em gái. Người dân thấy đúng nên nghe theo”.


Bà Lương Thị Thanh Đẹp, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết, trong số cộng tác viên của xã, bà Kiên là người gắn bó lâu năm nhất nên có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng truyền thông tốt. Bà luôn linh động, phối hợp lồng ghép truyền thông trong các cuộc họp chi hội phụ nữ, họp tổ, thôn. Bà còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho các cộng tác viên khác. Nhờ vậy đã góp phần giúp Vạn Hưng đạt kết quả tốt trong công tác dân số - KHHGĐ (DS- KHHGĐ) với vị trí thứ 3 trong công tác thi đua toàn huyện.


Bác sĩ Huỳnh Tình - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện nhận xét, bà Kiên tuy lớn tuổi nhưng ham học hỏi, nhiệt tình và không ngại khó khăn. Thời gian này, công tác DS-KHHGĐ đang gặp khó về kinh phí, nhiều cộng tác viên không còn nhiệt tình nhưng bà vẫn tích cực trong công việc, đây là điều rất đáng quý. Bà Kiên xứng đáng là tấm gương điển hình trong công tác DS-KHHGĐ.


THANH PHƯƠNG