09:07, 10/07/2017

Nâng cao vị thế con người

Nhân kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11-7, Báo Khánh Hòa phỏng vấn bà Trần Thị Kim Oanh - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh về các hoạt động hưởng ứng ngày này tại địa phương.

Nhân kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11-7, Báo Khánh Hòa phỏng vấn bà Trần Thị Kim Oanh - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh về các hoạt động hưởng ứng ngày này tại địa phương.


- Xin bà cho biết chủ đề ngày DS Thế giới năm nay?

 


- Ngày DS Thế giới 2017 có chủ đề “Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”. Đây là chủ đề do Quỹ DS Liên hợp quốc (UNFPA) lựa chọn có tính toàn cầu để kêu gọi sự quan tâm chú ý của toàn thế giới chú trọng hơn nữa đến vấn đề KHHGĐ theo xu hướng hiện nay.


 - Theo chủ đề này, ngành sẽ tập trung tuyên truyền những nội dung gì và dưới hình thức nào, thưa bà?


- Nội dung tuyên truyền bao gồm: Một là, kêu gọi đầu tư mạnh hơn nữa cho công tác DS-KHHGĐ, đầu tư cho mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng DS thông qua việc thực hiện các chương trình, đề án.


Hai là, tuyên truyền đầu tư vào nhóm vị thành niên - thanh niên (VTN-TN). Hiện nay, lĩnh vực KHHGĐ hiện đại chưa đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ các em gái VTN. Thực tế, VTN-TN là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thử thách liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục như: thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân, có thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bị HIV/AIDS. Đầu tư cho VTN-TN thông qua việc cung cấp giáo dục có chất lượng, kỹ năng sống; tiếp cận với giáo dục SKSS và giáo dục tình dục toàn diện bao gồm giới, bình đẳng giới và quyền sinh sản là rất cần thiết cho sự phát triển của VTN-TN, gia đình và cộng đồng.


Ba là, tuyên truyền về việc nâng cao vị thế, trao quyền cho phụ nữ thông qua thúc đẩy thực hiện đầy đủ các quyền về chăm sóc SKSS và sức khỏe tình dục cho phụ nữ; tuyên truyền các thông điệp chính liên quan đến giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ, tăng tỷ lệ tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả trên tinh thần tự nguyện; chú trọng nâng cao chất lượng DS thông qua tăng cường sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng DS như: tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng…


Từ định hướng trên, ngành DS tỉnh sẽ triển khai một số hoạt động chủ yếu như:


- Tổ chức các đợt truyền thông trọng điểm trên các kênh truyền thông đại chúng và trực tiếp tại cơ sở về các vấn đề đang đặt ra đối với công tác DS-KHHGĐ như: chăm sóc SKSS VTN-TN, mất cân bằng giới tính khi sinh, mức sinh thấp hợp lý, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;


- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, mít tinh, cổ động, diễu hành, giao lưu, tọa đàm tại cấp tỉnh, huyện về thực trạng, thách thức và giải pháp, từng bước giải quyết vấn đề chăm sóc SKSS VTN-TN trong những năm tới; triển khai các loại hình cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ, nâng cao chất lượng DS cho nhân dân tại các vùng sâu, vùng cao, vùng biển, đảo và ven biển;


- Tổ chức khảo sát, kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, luật pháp, chính sách, tài liệu hiện hành của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt là về chăm sóc SKSS VTN-TN ở các cấp như: thực trạng, khó khăn, thách thức mà trẻ em gái VTN-TN đang gặp phải và đưa ra các giải pháp, chính sách nhằm giải quyết vấn đề đó...


-  Xin bà cho biết những vấn đề nảy sinh cần tập trung giải quyết tốt trong thời gian tới?


- Hiện nay, điều đáng lo ngại nhất là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ lệ bé trai/bé gái là 111% và đang có chiều hướng gia tăng. Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền còn cao như 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tỷ suất sinh cao đến 19,8‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 23,3%; tình trạng tảo hôn vẫn còn. Người dân vùng sâu, vùng xa thiếu thông tin cũng như không chủ động chăm sóc SKSS, KHHGĐ. Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng chưa mở rộng được vì thiếu kinh phí. Tỉnh cũng chưa có những chính sách ưu đãi cho đội ngũ cộng tác viên nên công tác DS-KHHGĐ chưa hoàn toàn thành công.


- Xin cảm ơn bà!


M.T (Thực hiện)