08:07, 10/07/2017

Người thầy có nhiều bằng sáng chế

Chúng tôi đã có dịp gặp TS.Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm Thực hành (Trường Đại học Nha Trang), kiệm lời trong giao tiếp nhưng khi trò chuyện về chuyên môn khoa học, anh lại rất sôi nổi, hào hứng.

Chúng tôi đã có dịp gặp TS.Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm Thực hành (Trường Đại học Nha Trang), kiệm lời trong giao tiếp nhưng khi trò chuyện về chuyên môn khoa học, anh lại rất sôi nổi, hào hứng.


Say mê nghiên cứu


Là giảng viên Trường Đại học Nha Trang, tuy nhiên, phần lớn quỹ thời gian của TS.Hòa được dành cho phòng thí nghiệm, nơi giúp anh thỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Anh đã có nhiều đề tài khoa học cấp trường, cấp bộ và cấp Nhà nước; các kết quả nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí quốc tế..., được nhà trường, đồng nghiệp đánh giá cao. Hiện nay, anh đang theo đuổi đề tài Nghiên cứu chế tạo vật liệu aerogel dựa trên nền graphene có cấu trúc 3D ứng dụng cho siêu tụ hiệu năng cao do NAFOSTED (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) cấp kinh phí. Đề tài thực hiện từ tháng 5-2016, dự kiến hoàn thành cuối năm nay, sớm hơn kế hoạch. Ngoài ra, anh cũng đang triển khai 2 đề tài: Nghiên cứu thu nhận và xác định tính chất của hydroxyapatit kích thước nano tách từ xương cá và Tổng hợp vật liệu lưu trữ năng lượng bằng các quá trình có sử dụng các công nghệ nano và công nghệ sinh học sạch hơn.

 

TS.Nguyễn Văn Hòa (trái) tại phòng thí nghiệm

TS. Nguyễn Văn Hòa (trái) tại phòng thí nghiệm


TS.Hòa còn là nghiên cứu chính hoặc chủ nhiệm của 7 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp ở trong và ngoài nước, như: Nghiên cứu tách chiết lutein từ hoa cúc vạn thọ trồng tại Khánh Hòa (Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí); Tổng hợp và ứng dụng của polyvinyl alcohol (Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cấp kinh phí)... Anh đã có 8 bằng sáng chế tại Hàn Quốc, 1 bằng sáng chế tại Mỹ; hơn 50 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế; hơn 30 báo cáo đăng trên các kỷ yếu hội thảo khoa học; tham gia viết 1 chương trong tập sách khoa học quốc tế về điều chế ứng dụng vật liệu nano carbon; đồng tác giả cuốn sách xuất bản tại Việt Nam năm 2016 về thu nhận các sản phẩm giá trị gia tăng từ phế liệu thủy sản…


Chia sẻ về động lực, cũng là cơ hội nghiên cứu khoa học của mình, TS.Nguyễn Văn Hòa cho biết, năm 1997, kết thúc học phần đại cương khoa Chế biến (nay là khoa Công nghệ thực phẩm) Trường Đại học Nha Trang, anh là sinh viên được nhà trường cử đi học chuyên ngành Hóa vô cơ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh trở về trường với vai trò giảng viên và bắt đầu những tìm tòi khoa học bằng niềm say mê, nỗ lực và nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường. Năm 2008, anh hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành Hóa Phân tích, Trường Đại học Đà Lạt. Từ năm 2009 đến nay, anh hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên ngành Hóa Kỹ thuật, Trường Đại học Yeungnam (Hàn Quốc) và tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại trường này.


Trăn trở ứng dụng khoa học vào cuộc sống

 

Thầy Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang: Thầy Nguyễn Văn Hòa là một cán bộ rất có năng lực, đặc biệt là về nghiên cứu khoa học. Sau một thời gian thầy phụ trách Trung tâm Thí nghiệm - thực hành, trung tâm đã có nhiều điều chỉnh, đổi mới để hỗ trợ cho việc thực hành, thực tập của học sinh, sinh viên và hoạt động nghiên cứu của cán bộ, giảng viên. Nhiều giảng viên trẻ rất ấn tượng với số lượng công trình mà thầy Hòa đã công bố. Thầy Hòa được kỳ vọng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho việc đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Tiếp xúc với TS.Hòa, điều chúng tôi nhận thấy ở anh không chỉ có sự say mê nghiên cứu khoa học, mà còn có niềm trăn trở ứng dụng khoa học vào cuộc sống. Anh cho biết, qua nghiên cứu đề tài, thu thập số liệu thống kê, ở Việt Nam, nguồn phế liệu thủy sản hiện nay chiếm tới 65 - 70% sản lượng thủy sản chế biến, xuất khẩu (không tính sản lượng thủy sản nguyên con). Đây là nguồn nguyên liệu rất lớn cho một số ngành như: y tế, dược phẩm, thực phẩm nhưng chưa được khai thác triệt để. Hiện nay, anh đang cùng nhóm nghiên cứu chuẩn bị thực hiện dự án sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng như: thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc kích thích sinh trưởng, mỹ phẩm, dược phẩm… từ phế liệu cá trên cơ sở hợp tác giữa Trường Đại học Nha Trang với một đơn vị sản xuất uy tín. Anh chia sẻ: “Tuy đã có nhiều đơn vị triển khai thu hồi các sản phẩm giá trị gia tăng từ phế liệu thủy sản nhưng quá trình này chỉ thu hồi được một hoặc một số ít sản phẩm, còn dự án của nhóm hướng tới thu hồi toàn bộ sản phẩm. Bước đầu, đơn vị phối hợp đã cho ra thị trường dịch thủy phân với sản lượng 300 - 500 tấn/tháng; sắp tới là sản phẩm collagen sản xuất từ vẩy cá chẽm để xuất khẩu sang Nhật Bản. Hy vọng, dự án sẽ cho ra thị trường những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, giá thành hợp lý”. Ngoài ra, anh đang nghiên cứu về vấn đề lưu trữ năng lượng, tiến tới xây dựng phòng bảo tồn gien và giống nấm quý hiếm của Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.


Nghe anh say sưa kể về những dự định khoa học còn ấp ủ, có thể hiểu vì sao lãnh đạo nhà trường đánh giá anh là người truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho nhiều người khác. Anh chia sẻ: “Làm khoa học không dễ, bởi khó nhìn thấy kết quả trước mắt. Có thể thành công, cũng có thể sẽ thất bại. Nhưng chỉ cần có đam mê, nhiệt huyết và sự kiên trì, tôi tin rằng không có trở ngại.”.


THIỀU HOA - HOÀNG NGÂN