12:06, 14/06/2017

Chưa phát huy hết công năng

Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Khánh Sơn (trước đây là Nhà tình thương) với cơ ngơi khang trang, rộng rãi được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng từ năm 2012. 

Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) huyện Khánh Sơn (trước đây là Nhà tình thương) với cơ ngơi khang trang, rộng rãi được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng từ năm 2012. Tuy nhiên, đến nay, số đối tượng được đưa vào đây chăm sóc, nuôi dưỡng rất ít, trong khi đó nhu cầu thực tế lớn hơn rất nhiều.


Mái ấm yêu thương


Bà Bo Bo Thị Hai (xã Ba Cụm Bắc) năm nay gần 70 tuổi, không có gia đình, lại bị lòa, khi Trung tâm BTXH được thành lập, bà được đưa vào đây để chăm sóc, phụng dưỡng và được đưa đi phẫu thuật mắt. Đến nay, đôi mắt của bà đã thấy lại ánh sáng. Bà Hai bộc bạch: “Tôi không có gia đình, cha mẹ chết từ sớm nên rất khổ. Từ ngày vào trung tâm, tôi được cán bộ, nhân viên quan tâm, chăm sóc chu đáo nên sức khỏe ổn định. Hàng ngày được vui đùa với các cháu nhỏ ở đây tôi thấy rất vui. Đã từ lâu tôi coi đây như gia đình của mình và muốn sống ở trung tâm trong những tháng năm còn lại của tuổi già”.  

 

Em Mấu Thị Trúc (xã Ba Cụm Bắc) cho biết, em và chị gái mồ côi cha, mẹ từ nhỏ và được đưa vào Trung tâm BTXH đã 10 năm nay. Sống ở trung tâm các em được quan tâm, chăm sóc chu đáo và ăn học đàng hoàng. Đáp lại tình cảm của các cô chú, em và chị gái luôn chăm ngoan, chịu khó học tập, rèn luyện. Hiện tại chị gái của Trúc đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và có việc làm ổn định. “Sống ở đây có ông, bà và các anh, chị, em nên rất vui, giống như một gia đình. Hiện tại em đã học xong lớp 11 và đang cố gắng phấn đấu để hoàn thành ước mơ vào đại học trong năm tới”, Trúc tâm sự.

 
Ông Đặng Văn Thật - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm BTXH Khánh Sơn cho biết, trung tâm là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng những đối tượng BTXH như: trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn, người tâm thần… Trong thời gian ở trung tâm, các đối tượng luôn được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo và học hành đàng hoàng. Theo quy định hiện hành, chế độ nuôi dưỡng hiện tại là 1,2 triệu đồng/tháng/đối tượng từ 4 đến 16 tuổi; 900.000 đồng/tháng/đối tượng 16 - 60 tuổi… “Ngoài chế độ của Nhà nước, trung tâm cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của một số đơn vị, tổ chức từ thiện. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức cho các đối tượng tăng gia sản xuất để cải thiện cuộc sống. Những năm qua, đã có nhiều đối tượng, sau khi được nuôi dưỡng ở trung tâm, được học hành đến nơi đến chốn đã tái hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Riêng đối với người lớn tuổi, trung tâm luôn cố gắng tạo không gian quen thuộc, gần gũi với cuộc sống khi họ ở cộng đồng để họ yên tâm gắn bó, an hưởng tuổi già ở đây”, ông Thật cho hay.

 

Một buổi sinh hoạt văn nghệ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Khánh Sơn

Một buổi sinh hoạt văn nghệ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Khánh Sơn

 

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ


Theo thống kê, trên địa bàn huyện Khánh Sơn hiện có khoảng 700 đối tượng BTXH (trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn, không nơi nương tựa, người tâm thần…). Qua rà soát năm 2016, toàn huyện có 75 trường hợp và 5 tháng đầu năm 2017 có 31 đối tượng đủ điều kiện đưa vào nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm BTXH huyện. Tuy nhiên, hiện nay tại trung tâm chỉ có 18 đối tượng (2 người cao tuổi, 1 người khuyết tật, 15 trẻ mồ côi). Trong khi công năng tối đa tại đây có thể tiếp nhận 100 - 150 đối tượng. Như vậy, hiện tại trung tâm mới sử dụng chưa được 20% so với công năng thiết kế. “Qua rà soát thực tế tại các xã, chúng tôi nhận thấy có nhiều trẻ mồ côi mặc dù còn cha hoặc mẹ nhưng cha hoặc mẹ lại bỏ đi lấy người khác, để lại các em cho họ hàng nuôi dưỡng, có người đến 2 - 3 năm không về thăm con. Nhiều trường hợp, người giám hộ cũng khó khăn nên các em không được nuôi dưỡng tốt, không được học hành đến nơi, đến chốn. Hoặc một số trường hợp người cao tuổi có con cháu, nhưng vì con cháu khó khăn nên cũng không thể chăm sóc, phụng dưỡng họ. Vừa qua, trung tâm mới tiếp nhận 2 cháu, có trường hợp đã 10 tuổi mà chưa biết chữ, thậm chí chưa biết tiếng Kinh”, ông Thật nói.


Nguyên nhân chính của việc số đối tượng BTXH được đưa vào Trung tâm BTXH quá ít so với yêu cầu thực tế là do thủ tục pháp lý chưa sát với thực tế tại địa phương; một số trường hợp người giám hộ không muốn đưa đối tượng vào trung tâm, hoặc một số người cao tuổi không muốn xa làng xóm nên không muốn vào Trung tâm BTXH. Vừa qua, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Khánh Hòa đã khảo sát về tình hình hoạt động của Trung tâm BTXH huyện Khánh Sơn. Ông Trần Mạnh Dũng - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết, trong những ngày tới đoàn sẽ có ý kiến đề xuất về những khó khăn, vướng mắc tại đây với HĐND tỉnh để sớm có biện pháp tháo gỡ, nhất là về những thủ tục pháp lý, sao cho phù hợp với thực tế tại địa phương. Nhằm tạo điều kiện cho trẻ mồ côi, khuyết tật được đưa vào nuôi dưỡng tại trung tâm, để được chăm sóc, học hành đầy đủ. Về phía trung tâm, cũng cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nhằm đáp ứng yêu cầu khi số đối tượng được đưa vào đây tăng lên.

Đinh Luận