12:06, 16/06/2017

Các lò gạch nung ở Ninh Xuân: Vẫn đỏ lửa

Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) hiện có 23 cơ sở sản xuất với 64 lò gạch thủ công đang hoạt động, trong đó xã Ninh Xuân có 22 cơ sở. Hiện nay, có 10 hộ, chủ cơ sở nộp đơn xin hỗ trợ để tháo dỡ, chấm dứt hoạt động, số còn lại vẫn chưa chấp hành với nhiều lý do.

Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) hiện có 23 cơ sở sản xuất với 64 lò gạch thủ công đang hoạt động, trong đó xã Ninh Xuân có 22 cơ sở. Hiện nay, có 10 hộ, chủ cơ sở nộp đơn xin hỗ trợ để tháo dỡ, chấm dứt hoạt động, số còn lại vẫn chưa chấp hành với nhiều lý do.
 

Hoạt động nhộn nhịp

Đầu tháng 6, trở lại xã Ninh Xuân, chúng tôi thấy nơi đây vẫn nhộn nhịp hoạt động sản xuất với hàng trăm ngàn viên gạch được ra lò mỗi ngày như chưa hề biết đến lộ trình phải chấm dứt hoạt động. Trong khi đó, theo Đề án phát triển vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh ban hành ngày 21-7-2016, lò đứng chấm dứt hoạt động cuối năm 2017, lò vòng năm 2018.


Tại cơ sở sản xuất gạch của ông Bùi Văn Lý (thôn Phước Lâm, Ninh Xuân), 3 chiếc lò và hơn 10 nhân công vẫn miệt mài xúc đất, đóng khuôn, phơi khô, lửa lò vẫn nghi ngút khói để cho ra những mẻ gạch mới. Mỗi tháng, cơ sở của ông Lý sản xuất từ 150.000 - 200.000 viên gạch để cung cấp cho thị trường. Ông Lý cho biết, cơ sở của ông vẫn sản xuất là do thời điểm này lượng gạch tiêu thụ đang tăng cao. Ngoài ra, do ông đã trữ một lượng lớn vật tư như: đất sét, củi nung… từ đầu năm nên phải sản xuất cho hết. Việc phải chấm dứt, tháo dỡ lò gạch thủ công của gia đình ông và các cơ sở khác trên địa bàn xã Ninh Xuân đều đã được UBND xã, thị xã thông báo cũng như có hướng dẫn cụ thể về việc nộp đơn xin hỗ trợ tháo dỡ, tuy nhiên ông rất mong các cấp chính quyền gia hạn thêm thời gian. “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của tỉnh, nhưng nếu chấm dứt hoạt động lúc này thì gia đình tôi sẽ thiệt hại lớn”, ông Lý nói.

 

Những viên gạch mới vẫn được ra khuôn đều đặn

Những viên gạch mới vẫn được ra khuôn đều đặn


Trái ngược với chồng, vợ ông Lý lại tỏ ra không đồng tình với việc tháo dỡ các lò đứng trong năm nay trong khi lại để các lò vòng (hay còn gọi là lò cải tiến hoffman) tiếp tục hoạt động đến hết năm 2018. Lý do bà đưa ra là nếu so sánh về mức độ ô nhiễm, lò đứng và lò vòng đều như nhau, có khi lò vòng còn xả thải nhiều hơn vì nguyên liệu đốt là dăm gỗ, mùn cưa và thời gian đốt lửa liên tục 24 giờ mỗi ngày.


Chúng tôi tìm đến một cơ sở sản xuất gạch nung theo công nghệ hoffman nằm cách trụ sở UBND xã Ninh Xuân khoảng 200m. Hoạt động sản xuất ở cơ sở này tuy được cho là cải tiến nhưng các công đoạn sản xuất, nung gạch vẫn mang tính thủ công như: làm sét, vào khuôn, phơi, xếp gạch mộc vào lò nung, nung gạch bằng các vật liệu dễ cháy (dăm gỗ, mùn cưa…). Điểm khác biệt duy nhất của lò vòng so với lò đứng là các lò này được xây thành một khối kín, có gắn thêm các thiết bị điện, bộ lọc bụi khói hỗ trợ trước khi thả khói ra môi trường. Về thời gian đốt lò, lò đứng đốt khoảng 6 giờ 1 mẻ gạch và phải nghỉ để đợi lò nguội mới làm mẻ khác, trong khi lò vòng có thể đốt cả ngày với sản lượng gạch cho ra lò gấp 2 - 3 lần.


Kiến nghị ngừng cấp phép khai thác đất sét


Theo ông Võ Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân, toàn xã hiện có 22 cơ sở với 62 lò sản xuất gạch nung đang hoạt động. Sau khi được xã tuyên truyền vận động, đã có 10 cơ sở đồng ý nhận tiền hỗ trợ tháo dỡ, số còn lại chưa phản hồi. Riêng đối với lò vòng, xã đang cho rà soát, thống kê lại. Đầu năm nay, qua kiểm tra thực tế, xã có 7 hộ đã tự tháo dỡ lò thủ công và chuyển đổi sang lò vòng. Đối với các trường hợp này, thị xã đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc cam kết không xây thêm các lò mới.


Ông Nguyễn Dương Hùng - Phó phòng Quản lý đô thị thị xã cho biết: “Hiện kinh phí hỗ trợ cho các trường hợp tháo dỡ lò đứng trên địa bàn thị xã đã có và thời gian thực hiện trong năm 2017. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các hộ là 1,26 tỷ đồng, tương ứng với 63 lò đang hoạt động, mỗi lò nhận 20 triệu đồng. Hộ nào muốn nhận hỗ trợ sớm để tháo dỡ, chúng tôi có thể giải quyết ngay trong tháng 6 này”.


Ngày 7-6, UBND thị xã Ninh Hòa đã thành lập tổ công tác liên ngành do ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã làm trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất gạch lò đứng chưa đồng ý nhận hỗ trợ để tháo dỡ. Mục đích đợt kiểm tra nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các hộ sản xuất gạch, tìm hiểu nguyên nhân các hộ chưa đồng ý nhận hỗ trợ để báo cáo, đề xuất và kiến nghị tỉnh tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên, theo ông Thạnh, các hộ sản xuất lò đứng mong muốn kéo dài thời gian tháo dỡ đến cuối năm để giải quyết vật tư tồn đọng. Các cơ sở sản xuất yêu cầu điều chỉnh thời gian cho hợp lý để cùng chấm dứt hoạt động sản xuất các lò đứng, lò vòng, tránh sự so bì; một số trường hợp kiến nghị sau khi chấm dứt các lò nung, họ mong muốn được sản xuất gạch mộc cung cấp cho các lò sản xuất theo công nghệ tuynel. Bởi theo trình bày của các hộ, theo lộ trình các lò tuynel được phép tồn tại đến năm 2020 và đầu tư tiếp để nâng công suất lên 15 triệu viên/năm. Hiện, đã có trường hợp các lò tuynel giao đất cho các lò sản xuất nung gia công gạch mộc, như vậy có được phép hay không?…


Về vấn đề này, ông Thạnh cho biết: “Trước hết, các hộ phải chấp hành quyết định của tỉnh về việc chấm dứt hoạt động đối với lò gạch nung. Chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp xây thêm lò hoặc tự ý chuyển đổi từ lò đứng sang lò vòng. Sắp tới, họp Ban chỉ đạo, tổ giúp việc thị xã sẽ tổng hợp số liệu cụ thể để báo cáo tỉnh về tiến độ thực hiện và có những đề xuất kiến nghị tỉnh xem xét giải quyết”. Tuy nhiên, theo ông Thạnh, để giải quyết tận gốc của vấn đề, tỉnh cần có hướng xem xét thu hồi không cấp phép khai thác, tận thu đất sét. Bởi một khi không có đất sét sẽ không có chuyện sản xuất gạch nung và điều đó sẽ tạo thuận lợi trong việc thực hiện Đề án phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh.


AN NHIÊN