05:10, 20/10/2016

Tiễn biệt Thiếu tá Dương Lê Minh

Nghe tin Thiếu tá Dương Lê Minh hi sinh trong vụ tai nạn máy bay tại Vũng Tàu, người thân, bạn bè anh không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Nghe tin Thiếu tá Dương Lê Minh hi sinh trong vụ tai nạn máy bay tại Vũng Tàu, người thân, bạn bè anh không khỏi bàng hoàng, xót xa.

 

 Đại úy Dương Lê Minh
Đại úy Dương Lê Minh

Mới cuối năm ngoái, khi làm phóng sự về những người lính phi công ở Trường Sĩ quan Không quân, chúng tôi có đề cập đến những gia đình có truyền thống “cha truyền con nối” và đã gọi điện hỏi thăm anh. Qua điện thoại, anh Minh chia sẻ: “Ngày ấy, tôi đang là học viên phi công tại Trường Sĩ quan Không quân. Nghe tin bố hy sinh khi làm nhiệm vụ, cả nhà đều suy sụp. Lúc ấy, mẹ tôi không muốn tôi tiếp tục theo nghiệp bay của bố. Thế nhưng, hình ảnh bố tôi, một người lính bay đã sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình để bảo vệ bình yên của Tổ quốc đã trở thành động lực, là niềm kiêu hãnh để tôi vươn lên, nỗ lực trở thành phi công”. Lời nói của anh chắc nịch, thể hiện quyết tâm nối gót người cha, góp phần nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ bảo vệ vùng trời Tổ quốc.


Có lẽ không từ ngữ nào có thể nói lên nỗi đau này khi cách đây 11 năm, anh Minh đã vĩnh viên không còn nhìn thấy bố. “Ngày ấy” mà Minh nói là ngày bố anh, Thượng tá Dương Văn Thanh (nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 910) gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện bay tại Nha Trang. Đó là ngày 29-4-2005, Thượng tá Thanh cùng Trung úy phi công trẻ Đào Việt Hưng ngồi trên chiếc máy bay L-39 mang số hiệu 8732, huấn luyện chiến đấu cùng biên đội bay thực hiện nhiệm vụ. Trong lúc đang lượn trên bầu trời nắng đẹp thì bất ngờ chiếc L-39 chết máy đột ngột. Khi đó bên dưới là biển còn phía trước là đảo Hòn Tre, cách bờ biển Nha Trang khoảng 3km. Biết không thể nào tự khắc phục được sự cố kỹ thuật, Thượng tá Thanh khẩn báo cho Sở Chỉ huy bay biết rõ tình trạng kỹ thuật và nhận được tin phản hồi “cho phép đồng chí nhảy dù để thoát hiểm”.

 

Vào lúc 7 giờ 40 ngày 18-10, một máy bay trực thăng của Trung tâm Huấn luyện Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, số hiệu 8632 EC-130T2 thực hiện bay huấn luyện từ sân bay Vũng Tàu. Đến 8 giờ 3 phút máy bay bị mất liên lạc tại khu vực tây bắc núi Dinh, cách sân bay Vũng Tàu khoảng 25 km. Trên máy bay có 1 phi công và 2 học viên phi công.... Ngày 19-10, các lực lượng đã tìm thấy máy bay bị rơi và cả 3 người đã hy sinh, trong đó có Đại úy Dương Lê Minh. Chiều 19-10, căn cứ ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Hà Tiến Dũng - Tư lệnh Binh đoàn 18 ký quyết định truy thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá cho đồng chí Dương Lê Minh.

Những đồng đội của Thượng tá Thanh ở Trường Sĩ quan Không quân kể lại, Thượng tá Thanh đã không nhảy dù thoát hiểm mà phản hồi: “Phía trước là đảo, tôi phải điều khiển máy bay ra phía biển”. Trong tích tắc, Thượng tá Thanh nghĩ tới phi công trẻ Đào Việt Hưng đang ngồi ở buồng lái phía sau nên anh ra lệnh cho Hưng đẩy cửa, bung dù ra không trung để thoát hiểm trước. Khi khoảng cách giữa sự sống và cái chết gần như chỉ còn trong gang tấc, Thượng tá Thanh bình tĩnh điều khiển máy bay lượn vòng tránh đảo Hòn Tre, vì ở đó là Khu du lịch Vinpearl đang có nhiều du khách tham quan, nghỉ mát.


Khi máy bay hướng ra biển cũng là lúc không còn đủ độ cao để thoát hiểm. Chiếc máy bay L-39 rơi xuống mặt biển đã cướp đi sinh mạng của một anh hùng thực sự. Năm 2007, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới đối với Thượng tá Dương Văn Thanh, vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác huấn luyện chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.


Tấm gương sáng của người anh hùng Dương Văn Thanh là động lực thôi thúc Minh phấn đấu rèn luyện trở thành một phi công giỏi. Như là định mệnh, giờ đây, người con trai duy nhất của Thượng tá Thanh cũng ra đi mãi mãi khi đang bay huấn luyện. Không còn chiến tranh, nhưng vì nhiệm vụ cao cả mà Tổ quốc giao, bà Lê Thị Minh Thủy đã mất cả chồng lẫn con trai. Gia đình và đồng đội luôn khắc ghi hình ảnh các anh. Câu chuyện của liệt sĩ Dương Văn Thanh đã lay động lòng người, năm 2007, Cục Chính trị (Quân chủng Phòng không Không quân) đã dựng lại chân dung ông như một lời tri ân và tưởng nhớ đến người anh hùng.


Đại tá Phạm Văn Đông, Phó Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân không kìm nén được cảm xúc khi nghe tin dữ từ anh Minh. Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Đông nghẹn ngào: “Minh là cựu học viên của nhà trường niên khóa 2002-2006. Trong suốt quá trình học ở trường, đồng chí Minh luôn là tấm gương sáng trong học tập và rèn luyện. Đồng chí Minh còn được biết đến là người gần gũi, thân thiện, được thầy cô và bạn bè yêu quý. Ở Minh có một bản lĩnh, nghị lực phi thường, trong lúc bố bị tai nạn bay, thế nhưng Minh đã vượt qua nỗi đau, vững vàng bước tiếp.”


Được biết, theo nguyện vọng của gia đình, sau khi làm lễ truy điệu tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, 10 giờ ngày 21-10, anh Minh sẽ được đưa về Nha Trang và chôn cất ngay cạnh mộ của bố anh.


VĂN KỲ - MẠNH HÙNG