09:08, 04/08/2016

Tín hiệu vui

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đầu tư đúng hướng, những năm gần đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở huyện Khánh Vĩnh có nhiều chuyển biến, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm, nhất là các xã vùng khó khăn, có mức sinh cao.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đầu tư đúng hướng, những năm gần đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở huyện Khánh Vĩnh có nhiều chuyển biến, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm, nhất là các xã vùng khó khăn, có mức sinh cao.


Mức sinh giảm


Sau khi sinh được 2 con, chị Cao Thị Hoa (thôn Gia Răng, xã Khánh Thành) quyết định dừng sinh bằng biện pháp cấy tránh thai. Theo chị, đây là biện pháp khá bền vững, phù hợp với hoàn cảnh và công việc làm nương rẫy của chị. Chị Cao Thị Mậu ở cùng thôn cũng thực hiện cấy tránh thai sau khi sinh bé thứ 2 được 4 tháng. Nhờ thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, những năm qua, gia đình chị được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế rừng. Vì thế, kinh tế gia đình chị tương đối ổn định, 2 con được học hành đàng hoàng.

 

Tuyên truyền giảm sinh cho người dân tại xã Khánh Thành
Tuyên truyền giảm sinh cho người dân tại xã Khánh Thành


Khánh Thành là một trong những xã trước đây có mức sinh cao của huyện. Toàn xã có hơn 500 hộ, với 95% là người DTTS. Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện KHHGĐ bằng phương pháp cấy tránh thai cho người dân nên việc giảm sinh có nhiều tín hiệu vui. Chị Phan Thị Thảo Nguyên, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã cho biết, do tập quán nên trước đây, mỗi gia đình người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh từ 5 đến 6 con, thậm chí có tới 8, 9 con. Việc vận động người dân thực hiện KHHGĐ cũng rất khó. Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2015, chính quyền địa phương đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí, có những chính sách ưu đãi như: vay vốn chăn nuôi, xây nhà chính sách, cấp học bổng… cho những hộ gia đình thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Nhờ thế, năm 2015, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai toàn xã đạt 73,69%, tăng 6,51%. Tỷ suất sinh đạt 19,14‰, giảm 6,78‰. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 29,72%, giảm 4,32% so với năm 2012.


Các xã: Khánh Thượng, Liên Sang, Cầu Bà, Khánh Phú 3 năm trở lại đây các chỉ tiêu giảm sinh giảm rõ rệt, từ 6 - 11‰ ở tỷ suất sinh, từ 8 - 20% ở tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.


Tiếp tục hỗ trợ


Theo ông Đặng Thanh Tuấn - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Khánh Vĩnh, năm 2015, huyện đã hỗ trợ kinh phí cho nhiều hoạt động DS-KHHGĐ như: truyền thông, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vào các đợt chiến dịch, các đợt truyền thông trọng điểm. Năm 2015, hỗ trợ cho 74/97 ca cấy tránh thai; 6 tháng đầu năm tiếp tục hỗ trợ 90/159 ca cấy tránh thai. Vì đây là biện pháp tránh thai phù hợp nhất với người DTTS nên góp phần giúp các xã hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh. Năm 2015, toàn huyện hoàn thành các chỉ tiêu như: tỷ suất sinh giảm còn 19,66‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 21,34%. Đây là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, mức sinh ở huyện vẫn còn khá cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Khó khăn của huyện là hiện nay chưa có bác sĩ, cán bộ y tế được cấp phép thực hiện cấy tránh thai. Thế nên, mỗi đợt chiến dịch hoặc thay mới biện pháp này phải chờ cán bộ y tế tuyến tỉnh về mới thực hiện được, làm ảnh hưởng đến tiến độ tốn nhiều thời gian và kinh phí.


Ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, nhờ quan tâm hỗ trợ đúng hướng nên các chỉ tiêu giảm sinh đang trên đà giảm. Để tiếp tục duy trì ổn định và bền vững mức giảm sinh, chính quyền địa phương cũng như Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện luôn trăn trở, tìm các giải pháp tích cực để nâng cao nhận thức của người dân. Trong thời gian tới, trước hết sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức cấp huyện, cấp xã, lấp đầy mạng lưới cộng tác viên thôn, xóm. Bên cạnh đó, nâng cao kỹ năng truyền thông cho đội ngũ làm công tác dân số về quy mô gia đình ít con, đẩy mạnh thực hiện các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số để giảm tử vong mẹ, trẻ em suy dinh dưỡng. Chính quyền cũng sẽ chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phải đồng hành phối hợp, tạo điều kiện thực hiện tốt chính sách dân số; tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản để tạo sự kết nối bền vững, xuyên suốt trong quá trình tuyên truyền giảm sinh cho người dân. Chính quyền địa phương các cấp tiếp tục hỗ trợ kinh phí theo từng hoạt động cụ thể mà ban chỉ đạo tham mưu. Có như vậy công tác DS-KHHGĐ mới duy trì và phát huy các kết quả đạt được.


KHÁNH TRANG