06:06, 23/06/2014

Chung tay bảo vệ đa dạng sinh học biển

Ngày 18-6, lần đầu tiên, Diễn đàn trí thức được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức với chủ đề "Thực trạng và giải pháp để bảo vệ đa dạng sinh học biển Nha Trang".

Ngày 18-6, lần đầu tiên, Diễn đàn trí thức được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức với chủ đề “Thực trạng và giải pháp để bảo vệ đa dạng sinh học biển Nha Trang”. Diễn đàn là nơi để đội ngũ trí thức, khoa học, các nhà quản lý trao đổi các giải pháp bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển Nha Trang.


Nhiều vấn đề đặt ra


Tại diễn đàn, chủ đề được phân tích ở nhiều khía cạnh. Đáng chú ý là những nội dung được nêu trong tham luận của các nhà khoa học về: Sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học vịnh Nha Trang: Triển vọng và thách thức; sức tải về ô nhiễm môi trường vịnh Nha Trang; tình hình khai thác và giải pháp bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống trên vịnh Nha Trang; những bất cập trong công tác quản lý đa dạng sinh học biển Nha Trang; thực trạng và kiến nghị về những vấn đề ô nhiễm môi trường trong vịnh Nha Trang...


Theo ông Trương Kỉnh, Giám đốc Ban Quản lý vịnh Nha Trang, vịnh Nha Trang là nơi có hệ sinh thái biển rất đa dạng, phong phú với 222 loài cá rạn, trên 350 loài san hô, 120 loài thân mềm, 70 loài giáp xác, 30 loài da gai, 70 loài rong biển, 7 loài cỏ biển. Tuy nhiên, hiện nay, các hệ sinh thái dần mất đi, dẫn đến một số sinh vật cũng biến mất. Rạn san hô trước đây có độ phủ rất cao, phân bố tại nhiều khu vực nhưng hiện nay chỉ còn khu vực Hòn Mun và Hòn Rơm là nơi có rạn san hô tương đối ổn định do được bảo vệ tốt. Diện tích rừng ngập mặn ở Nha Trang chỉ có khoảng vài chục ha. Diện tích thảm cỏ biển toàn vịnh Nha Trang chỉ còn khoảng 78ha.

 

Một góc vịnh Nha Trang.
Một góc vịnh Nha Trang.


Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tác An (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Khánh Hòa) nêu 5 áp lực chính trực tiếp gây mất đa dạng sinh học (thay đổi nơi cư trú, khai thác quá mức, ô nhiễm, sinh vật ngoại lai xâm hại và biến đổi khí hậu) đang ngày càng tăng về cường độ. Bên cạnh đó là các thách thức: Năng lực hạn chế, các vấn đề về tài chính, nhân lực và kỹ thuật; thiếu thốn hay khó khăn trong việc tiếp cận thông tin khoa học; nhận thức hạn chế về các vấn đề đa dạng sinh học của cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách…


Tại diễn đàn, các nhà khoa học cũng đã đặt ra nhiều vấn đề:  Tác động nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhất là tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản; ô nhiễm chất lượng môi trường vịnh do vật liệu từ sông thải ra biển, chủ yếu vào mùa mưa; ô nhiễm cục bộ do chất thải sinh hoạt của người dân địa phương và du khách; suy giảm khả năng tự làm sạch của thủy vực do tác động tiêu cực của con người đến hệ sinh thái ngập nước và đa dạng sinh học…


Những giải pháp cụ thể


Để xử lý tận gốc việc mất đa dạng sinh học, ông Nguyễn Tác An cho rằng, phải đặt đa dạng sinh học ở ưu tiên cao hơn trong tất cả các quá trình được quyết định và trong tất cả các ngành kinh tế. Đa dạng sinh học phải là nền tảng để xây dựng các mục tiêu khác.


Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (Viện Hải Dương học) đề xuất giải pháp quản lý khai thác phát triển bền vững vịnh Nha Trang. Đó là các giải pháp về chính sách: Quy hoạch không gian biển phù hợp với sức tải môi trường của vịnh Nha Trang; phân vùng phát triển kinh tế biển; xây dựng chương trình khung quản lý môi trường cho riêng vịnh Nha Trang; nâng cao năng lực quản lý vịnh Nha Trang cho cán bộ chuyên trách. Bên cạnh đó, phải có các giải pháp kỹ thuật như: Rà soát, giám sát và quản lý các nguồn thải, xử lý nước thải; phục hồi rạn san hô và phát triển rạn nhân tạo phục vụ du lịch sinh thái biển kết hợp tăng cường khả năng tự làm sạch, bảo vệ hệ thống bờ biển; xây dựng hệ thống chống sạt lở, hạn chế tác động của lũ trên sông Cái đối với vịnh Nha Trang; quan trắc dự báo diễn biến chất lượng môi trường để điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội…

 

Ông Bùi Mau, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: Dự kiến, Diễn đàn trí thức sẽ tổ chức định kỳ mỗi năm 2 lần (vào tháng 6 và tháng 11). Mỗi lần tổ chức diễn đàn theo một chủ đề, tập trung vào các nội dung: Những vấn đề về quy hoạch, cơ chế chính sách, các dự án cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương; những vấn đề liên quan đến văn hóa, môi trường, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh và liên quan đến phát triển xanh, phát triển nguồn nhân lực của địa phương…

Theo ông Phạm Văn Thơm, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, việc cải tạo các bãi tắm trong vịnh Nha Trang cần có các cơ sở vững chắc trước khi thực hiện việc thiết kế thi công, với một số lưu ý: phần ngoài của các thềm san hô chết cần giữ lại đủ để giảm năng lượng sóng; khảo sát kỹ điều kiện động lực biển và có biện pháp công trình thích hợp để giảm thiểu việc đưa cát ra khỏi khu vực bãi được cải tạo; các công trình lấn biển cần có thiết kế chung thích hợp cho các khu vực để tránh phá hỏng nét đẹp tự nhiên của vịnh Nha Trang; khi thi công cần có biện pháp giảm thiểu tác động môi trường của việc đào đắp. Để ngăn ngừa các tác động tiêu cực của việc nuôi trồng thủy sản, cần rà soát kỹ quy hoạch các khu nuôi và có quy chế môi trường cho việc nuôi trên biển…


Qua diễn đàn cho thấy, tài nguyên đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản dồi dào trong vịnh Nha Trang mang lại giá trị kinh tế lớn, nhất là đối với khai thác, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển hiện nay còn nhiều bất cập. Vì thế, các nhà khoa học đã nêu ra những giải pháp cụ thể để các nhà quản lý tham vấn trong quá trình hoạch định, ban hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, có các biện pháp quản lý bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học cho vịnh Nha Trang.


KHÁNH NINH