11:05, 14/05/2013

Sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề?

Các hộ dân sống bằng nghề nhặt rác ở bãi rác Rù Rì (TP. Nha Trang) đang lo lắng vì bãi rác này sẽ đóng cửa vào năm 2014; trong khi đó, bãi rác mới Lương Hòa sẽ không cho người dân vào...

Các hộ dân sống bằng nghề nhặt rác ở bãi rác Rù Rì (TP. Nha Trang) đang lo lắng vì bãi rác này sẽ đóng cửa vào năm 2014; trong khi đó, bãi rác mới Lương Hòa sẽ không cho người dân vào...


Chị Nguyễn Thị Kim Cúc sống tại bãi rác Rù Rì từ năm 1988. Chị vừa là người nhặt rác, vừa thu mua phế liệu nên vẫn được xem là “tổ trưởng” ở khu dân cư này. Chị cho biết, bãi rác có 203 hộ dân, trong đó có hơn 100 hộ sống tại bãi rác, còn lại thuê nhà ở đường Cao Văn Bé (phường Vĩnh Phước). Cách đây 4 năm, UBND TP. Nha Trang vận động người dân rời bãi rác và mỗi gia đình đã được hỗ trợ tiền từ 10 đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, do số tiền quá ít, người dân lo trả nợ và sử dụng vào mục đích khác nên đã hết từ lâu, đến nay cũng chưa di dời được.


Cụ Chín Nhiều ở bãi rác 30 năm nay, có 9 người con và 26 người cháu, trong đó có 4 người cháu đã lập gia đình. “Nhiều tháng nay, mọi người ở bãi rác cứ bàn tán chuyện đóng cửa bãi rác. Người nói được hỗ trợ tái định cư, người nói, không cho nhặt rác ở bãi rác mới, chẳng biết đâu mà lần. Đời tôi nay chẳng còn gì để nói, nhưng tôi mong sao chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ việc làm cho mấy đứa cháu năm nay mới 19, 20 tuổi, để chúng có cơ hội đổi đời”, cụ Chín Nhiều bộc bạch.

Người dân nhặt rác ở bãi rác Rù Rì
Người dân nhặt rác ở bãi rác Rù Rì


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: “Tôi đã giao cho Phòng Quản lý đô thị thống kê số hộ dân, số nhân khẩu sống tại bãi rác để lập phương án hỗ trợ. Phương hướng của thành phố trong thời gian đến là sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân hoặc tạo việc làm, giúp họ ổn định lâu dài”.


Tuy nhiên, ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang lại cho rằng, phương án đào tạo nghề hoặc tìm việc cho các hộ dân ở bãi rác rất khó thực hiện. “Năm 2009, Phòng Quản lý đô thị phối hợp với Hợp tác xã Thô sơ Hiệp Sơn để gửi một số người ở bãi rác vào làm việc với điều kiện là chỉ cần có một chiếc xích lô hoặc chiếc xe gắn máy. Nhưng những dân ở đây không chịu làm vì... nhặt rác đã quen”, ông Thinh cho hay.


Hiện nay, Phòng Quản lý đô thị đang nghiên cứu và đề xuất phương án xây dựng một căn nhà cấp 4 tại bãi rác mới để nhặt rác, phân loại rác. Ở bãi rác mới, người dân vẫn được nhặt rác nhưng phải theo giờ, đồng thời sẽ hình thành nghiệp đoàn nhặt rác tự quản. Người dân không được sống trên bãi rác mà phải tự thuê nhà hoặc về quê sinh sống.

Nhật Thanh