11:11, 15/11/2016

Thế giới ấm áp của một nhà giáo viết văn

Nhà văn Võ Hồng (1921 - 2013) sinh ở Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông gắn bó phần nhiều cuộc đời mình với TP. Nha Trang cho đến khi về với đất mẹ. Sinh thời, ông ngụ tại căn nhà số 51 Hồng Bàng. Trên căn gác nhỏ, ông lặng lẽ viết và sáng tác với tất cả niềm đam mê và khát khao cống hiến.

Nhà văn Võ Hồng (1921 - 2013) sinh ở Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông gắn bó phần nhiều cuộc đời mình với TP. Nha Trang cho đến khi về với đất mẹ. Sinh thời, ông ngụ tại căn nhà số 51 Hồng Bàng. Trên căn gác nhỏ, ông lặng lẽ viết và sáng tác với tất cả niềm đam mê và khát khao cống hiến. Ông được độc giả nhiều thế hệ biết đến qua hàng chục đầu sách. Với hình ảnh đặc trưng của một nhà giáo viết văn, từng trang viết của ông luôn hiện hữu lên tính cách mực thước. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, sáng tác của ông rất đa dạng về nội dung cũng như phong phú về đề tài. Lối viết chân thật, mộc mạc của ông đã chạm đến trái tim người đọc.

 


Trong những năm tháng gắn bó với nghề dạy học, ông có nhiều chất liệu để tạo nên những tác phẩm sâu sắc về tuổi học trò. Những người đọc hôm nay có thể thấy được bóng dáng của bạn bè, thầy cô, thậm chí của chính mình trong sáng tác của ông. Với những ai đã đi qua năm tháng của cuộc đời mình bằng phấn trắng, bảng đen, bằng những suy tư trăn trở trường lớp thì hình ảnh những cô cậu học trò nhỏ sẽ luôn gây thương nhớ khôn nguôi. Vì vậy, người đọc thường xuyên bắt gặp kiểu nhân vật hoài niệm về tuổi học trò trong truyện ngắn của ông. Cái hay của nhà văn là đã biến những thứ bình thường trong quá khứ thành những cái lung linh mới mẻ trong hiện tại. Trong tác phẩm Niềm tin chưa mất, từ câu chuyện của một đứa con trai suốt ngày dang nắng với lũ bạn đen nhẻm, Tộc hiện lên trong ký ức nhà văn với một ngoại hình ấn tượng đến buồn cười: “Mình Tộc gầy đét, hai chân như hai cái que, đã thế lại chuyên môn mặc quần đùi”. Tộc tiêu biểu cho lớp thanh niên nông thôn từ dáng vẻ cho đến tính cách. Tuy vậy, tính tình Tộc lại thật thà và trong sáng. Cũng từ nhân cách của Tộc mà nhà văn đã tin tưởng rằng: “Trong một xã hội nhiễm độc mà dối trá đã thành điển lệ, mà thù hằn đã thành khí giới phổ thông, quả tình nhân cách của Tộc vươn lên như một chồi cây mạnh giúp tôi tin cậy ở cuộc đời”.


Đó còn là nỗi niềm của những thầy cô giáo trẻ được tái hiện qua truyện Mùa hoa xoan. Truyện kể về những buồn vui khi dạy học của cô giáo Loan - tự cho rằng mình yếu đuối trước học trò không hiền ngoan và yếu đuối cả với tình yêu của đồng nghiệp. Loan luôn trăn trở băn khoăn về nghề nghiệp của mình: “Đêm đêm mình cặm cụi dưới ánh đèn, soạn bài thật đầy đủ, chấm bài thật kỹ lưỡng và lúc nằm xuống giường sắp đặt trong óc những điều mà mình sẽ giảng vào sáng hôm sau. Chỉ những lúc ấy là vui. Mình nghĩ đến những kiến thức ngày mai sẽ rót vào tâm trí của những đứa em mình. Thật là phấn khởi biết bao khi sau một giờ nghe giảng dạy, các tâm hồn ấy thấm nhuần những tư tưởng mới, giống tựa những mảnh đất hoang khô cằn trong phút chốc đã xanh màu búp non, lá mới, trắng, hồng những nụ hoa đầu”. Bản thân cũng là một nhà giáo nên hơn ai hết, Võ Hồng hiểu rõ tầm quan trọng của người giáo viên. Những suy tư, trăn trở, những niềm vui đến từ việc truyền giảng kiến thức của cô giáo Loan đã nói giúp tiếng lòng của ông.


Trong Cánh thiệp đầu xuân, Võ Hồng đã khắc họa chân dung của người thầy không chỉ muốn truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn muốn các em gần gũi nhau, xóa bỏ ranh giới giàu nghèo. Vì thế nên thầy giáo nảy ra sáng kiến tự làm thiệp chúc Tết xuân và trao tặng cho nhau. Kết quả mà người thầy nhận được là cái đẹp như nở hoa thêm trong tâm hồn những học trò của mình…


Có thể nói, đứng ở góc độ nào, Võ Hồng cũng để tâm về đề tài giáo dục, về nhà giáo và nhà trường với một tâm hồn sâu lắng và ông thể hiện điều đó trên từng trang viết bằng một giọng văn gần gũi, bình dị. Ông đã có một ước mong khi viết những bài nho nhỏ về tình mẹ cha, tình thầy trò: Phải chi mọi người đọc được bài viết này, họ sẽ yêu thương, quý mến thầy cô hơn nữa.


VÕ HỒNG YẾN