11:11, 12/11/2013

Thời của sách du ký

Thời gian gần đây, thị trường xuất bản rộ lên dòng sách du ký… Vào các nhà sách ở Nha Trang, người đọc dễ dàng nhìn thấy các cuốn du ký được xếp ở vị trí bắt mắt, được giới thiệu với những lời có cánh.

Thời gian gần đây, thị trường xuất bản rộ lên dòng sách du ký… Vào các nhà sách ở Nha Trang, người đọc dễ dàng nhìn thấy các cuốn du ký được xếp ở vị trí bắt mắt, được giới thiệu với những lời có cánh.


Khi sách du ký lên ngôi


Cách đây chừng 6 năm, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ ra mắt cuốn sách Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương của Ngô Thị Giáng Uyên (một người gốc Khánh Hòa, hiện sống ở Anh). Tập sách mỏng ghi lại cảm nhận của cô gái trẻ về kiến trúc, ẩm thực, văn hóa của nhiều nước châu Âu mà cô có dịp đi qua được bạn đọc đón nhận rất nồng nhiệt, liên tục được tái bản. Nhận thấy tiềm năng về sách du ký, các nhà làm sách đã liên tục cho in những cuốn sách du ký: Venise và những mối tình Gondola, Trả lại nụ hôn của Dương Thụy, Đảo thiên đường của Di Li, Sidney yêu thương của Trung Nghĩa… Năm 2010, Ngô Thị Giáng Uyên trở lại với Bánh mì thơm, cà phê đắng với nhiều trang viết về ẩm thực khá tinh tế. Cũng trong năm này, NXB Kim Đồng cho in đồng loạt 3 tập du ký của nhà báo lão thành Phan Quang: Thơ thẩn Paris, Chia tay trên sông,  Bên mộ vua Tần.


Tuy nhiên, phải đến năm 2012 - 2013, sách du ký mới thực sự bùng nổ với một loạt tác phẩm được xuất bản: Xách ba lô lên và đi của Huyền Chíp (tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền), Một mình ở châu Âu của Phan Việt,  Nước Ý, câu chuyện tình yêu của tôi và Phút 90 ++ của nhà báo Trương Anh Ngọc, John đi tìm Hùng của Trần Hùng John, Tôi là một con lừa của Nguyễn Phương Mai, Dưới nắng trời châu Âu của Hoàng Yến Anh. Không chỉ xuất bản các tác phẩm mới, các đơn vị làm sách còn in lại các tác phẩm cũ. Mới đây, NXB Tri thức đã cho in Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký với các tác phẩm: Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Trẩy chùa Hương, Pháp du hành trình nhật ký, Thuật chuyện du lịch ở Paris, Chơi Lạng Sơn - Cao Bằng, Du lịch xứ Lào.  Trước đó, NXB Trẻ cũng đã in bộ 3 cuốn sách Du ký Việt Nam tập hợp những bài du ký đăng trên tạp chí Nam Phong. Việc các đơn vị làm sách cho xuất bản lại các tác phẩm đã được viết cách đây gần cả thế kỷ, ngoài giá trị tự thân của nó còn có một phần từ sức hút của sách du ký trong những năm gần đây.


Sức hút của sách du ký khiến các đơn vị làm sách không chỉ ấn hành những tác phẩm của các tác giả trong nước mà còn chú ý đến các tác phẩm của nước ngoài như: Vespa du ký: Từ Roma đến Sài Gòn của Giorgio Bettinelli, Phương Đông lướt bên ngoài của sổ của Paul Theroux…

 

Một số cuốn sách du ký xuất bản trong thời gian gần đây.
Một số cuốn sách du ký xuất bản trong thời gian gần đây.


Cần những tác phẩm giá trị


“Vì sao bạn thích đọc sách du ký?”, tôi đã từng đặt câu hỏi cho mình và những người hay đọc sách như thế. Không khó để trả lời, đó là xuất phát từ nhu cầu muốn đi, muốn biết của mỗi người. Người ta luôn muốn đi đây đi đó để khám phá, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện điều này. Chính vì vậy, nhiều người đã thay thế điều đó bằng việc đọc sách du ký - những tác phẩm viết về các chuyến đi với nhiều trải nghiệm chân thực, sống động. Những người làm sách đã đánh trúng tâm lý của người đọc bằng những lời đề từ rất kêu, những lời giới thiệu rất sốc. Đơn cử, bìa cuốn Nước Ý, câu chuyện tình yêu của tôi có lời đề từ: “Viết cho những ai đã, đang và sẽ yêu nước Ý”; tập 1 cuốn sách Xách ba lô lên và đi đánh vào sự tò mò của người đọc với lời giới thiệu rất kêu như: “20 tuổi, 700 USD và hành trình khám phá 25 nước”…  Bên cạnh đó, sách du ký cũng như tạp văn ăn khách còn có thể nhìn nhận từ một góc độ khác. Trong xã hội hiện tại, người đọc vốn chịu nhiều áp lực, quỹ thời gian ngày càng hạn hẹp nên việc chọn tiểu thuyết, truyện ngắn trở thành một thể loại quá “nặng”, vì thế họ sẽ chọn cho mình thể loại nhẹ nhàng hơn, trong bối cảnh đó sách du ký sẽ là một lựa chọn.


Đọc các tác phẩm du ký được viết trong thời gian qua có thể thấy, có nhiều xu hướng khác nhau. Xuất hiện ở thời kỳ đầu, Ngô Thị Giáng Uyên có thế mạnh với những trang viết về ẩm thực, kiến trúc, lối sống của người châu Âu. Chị đặc biệt rất tỉ mỉ, tinh tế trong việc tả lại cách làm món ăn. Dương Thụy lại là một giọng điệu khác, chị viết về xứ lạ mà như đã quen từ lâu như cái giọng điệu của một người con xa xứ viết về quê hương của mình. Trương Anh Ngọc lại có sức hấp dẫn của một cây bút chuyên bình luận bóng đá đi viết văn. Nước Ý, câu chuyện tình yêu của tôi  là những trang viết đầy mê say, lãng mạn về  nước Ý - một đất nước coi bóng đá như một tôn giáo lại cũng là nơi nạn mafia hoành hành vào bậc nhất. Tác giả của John đi tìm Hùng, hay Xách ba lô lên và  đi… không dụng công trau chuốt văn chương hoặc không có khả năng về văn chương nên chỉ thuật lại tỉ mỉ những gì mình thấy, mình đã gặp trên đường đi. Có người xem đó là cách viết chân thực, hồn nhiên, nhưng những người muốn tìm kiếm ở đó những trang văn hấp dẫn, đầy cảm xúc lại không mấy thích thú bởi nó đơn giản giống như ghi chép vụn vặt của cá nhân chứ không phải là một cuốn du ký đúng nghĩa. Bởi du ký không chỉ thuần túy là ghi lại những gì mắt thấy, tai nghe mà quan trọng hơn là câu chuyện phải chạm tới trái tim của người đọc.


Có thể nói, các tác phẩm du ký hiện thời mới chỉ gợi hứng chứ chưa thể lay động con tim, để lại những suy tư trong lòng người đọc. Những ai từng đọc những trang du ký với giọng văn da diết, khắc khoải của Văn Cầm Hải  Trên dấu chim di thê  đầu những năm 2000 sẽ thấy các tác phẩm du ký hiện thời là một bước lùi về giá trị văn học và tư tưởng. Tất nhiên, không thể đòi hỏi mọi cuốn sách du ký đều có “chất” nhưng việc dễ dãi trong việc xuất bản, sự PR quá mức của các đơn vị truyền thông sẽ dễ sinh phản ứng ngược. Đã có nhiều người đọc thất vọng bởi sau khi háo hức mua sách, thấy sách không hấp dẫn như lời giới thiệu. Gần đây, những nghi ngờ về sự trung thực của Huyền Chíp ở 2 tập sách Xách ba lô lên và đi  cũng đã làm rạn vỡ niềm tin của người đọc.


Sách du ký vẫn đang được lòng độc giả, nhưng không vì thế mà xem nhẹ chất lượng của sách!


XUÂN THÀNH