10:11, 08/11/2013

Cà phê không chỉ để uống

Buổi sáng hôm ấy, cô chủ quán thông báo tạm nghỉ vì lý do ở nhà có đám cưới. Chỉ bấy nhiêu mà thói quen hàng ngày của mấy chục ông khách của quán bỗng phải thay đổi. Bà chủ quán gần đó vui vì có một số khách trôi dạt tới. Nhưng thói quen uống cà phê có nơi có chỗ khiến cho bà hụt hẫng, bởi bà chỉ đông khách mỗi một ngày, sáng hôm sau, quán cũ mở cửa, khách về lại chỗ cũ.

Buổi sáng hôm ấy, cô chủ quán thông báo tạm nghỉ vì lý do ở nhà có đám cưới. Chỉ bấy nhiêu mà thói quen hàng ngày của mấy chục ông khách của quán bỗng phải thay đổi. Bà chủ quán gần đó vui vì có một số khách trôi dạt tới. Nhưng thói quen uống cà phê có nơi có chỗ khiến cho bà hụt hẫng, bởi bà chỉ đông khách mỗi một ngày, sáng hôm sau, quán cũ mở cửa, khách về lại chỗ cũ.


Đó là quán cà phê tôi và một số bạn bè đã ngồi hơn 10 năm nay. Dãy bàn quen có những chiếc ghế nhựa nhỏ, chỗ của ai nấy ngồi. Cô chủ quán bán cà phê từ năm 18 tuổi, nay 30 tuổi, quen tính từng người. Người thích trà nóng, người thích trà đá… Riêng cà phê thì ngọt vừa, ngọt ít, nhiều sữa, ít sữa cũng tùy gu của mỗi khách. Cũng trong hơn 10 năm ấy, có những người khách quen đã trở về cát bụi, chiếc ghế của họ được thế bằng một người khác. Điều lạ là nhà tôi cách quán khoảng 4km, muốn tới quán phải vượt qua rất nhiều quán cà phê lớn nhỏ, chỉ ngay con đường nhà tôi cũng đã có 5 quán. Lạ nữa là ở nhà có đủ loại cà phê ngon nhưng vẫn không thích. Cà phê đâu chỉ để uống! Tôi giải thích với vợ như vậy. Chỉ riêng sáng Chủ nhật là tôi không tới quán quen của mình, mà đi cùng vợ tới quán quen của hai vợ chồng. Chắc chắn quán cà phê vào ngày Chủ nhật đó không phải là cà phê ngon, quán cũng không đẹp, nhân viên không đẹp, nhưng nó thuộc về thói quen.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Đi cà phê là từ chung để rủ rê, để hẹn hò, để bàn chuyện làm ăn. Quán bán đủ thứ nước, từ bia tới nước ngọt, kem, sinh tố và có cả ăn sáng, nhưng người ta vẫn luôn gọi là quán cà phê. Nhu cầu gặp nhau, nhu cầu trò chuyện dẫu chỉ khoảng 30 phút hoặc 1 giờ mỗi sáng đã thành thói quen, có khi chỉ để bàn cãi về một mẩu tin trên báo, về mấy cuộc thi… Gọi là cà phê cóc vì quán di chuyển liên tục, không ổn định do không được phép lấn chiếm vỉa hè. Cà phê bệt là từ thông dụng vì quán cà phê chỉ đưa cho khách cà phê đựng trong ly nhựa sử dụng một lần, rồi khách tìm một góc nào đó để ngồi. Tới cà phê nhạc, cà phê hạng sang, cà phê vườn, cà phê máy lạnh, giá một ly cà phê dao động từ 6.000 đến 70.000 đồng, tùy chất lượng, nơi bán và không gian bán. Nhưng nói chung là giờ đây, từ già cho tới trẻ đều có cái thú đi cà phê vào sáng - trưa - chiều - tối.  


Tính từ năm 1960, khi đó Sài Gòn mới bắt đầu phát triển quán cà phê, lúc ấy gọi là quán giải khát, cũng đã  hơn 50 năm, mô hình quán cà phê đã phát triển khắp mọi nơi. Xưa Hà Nội chỉ có các quán chè (trà) hè phố, dần dần các quán cà phê mở ra nhiều, người từ Nam ra sẽ gặp cà phê vỉa hè Hà Nội.


Thật ra, cái thú cà phê, mà lại là cà phê ở quán quen chính là cái văn hóa bạn bè, văn hóa gặp gỡ. Vì thế, các quán cà phê càng chăm chút không gian quán, chú ý đến cả ly nước trà miễn phí, chú ý cả nhạc đang mở cho khách nghe. Còn khách quen, đôi khi thấy quán thay cô thu ngân hay một cô phục vụ bàn nghỉ việc, bỗng thấy thiếu, mà cuộc sống thì có bao giờ đủ. Cái không đủ đó như một buổi sáng không đi cà phê.


Khuê Việt Trường