01:02, 08/02/2018

Chelsea sa sút, trách nhiệm thuộc về ai?

Chelsea đang có những dấu hiệu sa sút không phanh, trong 5 trận gần đây nhất trên các mặt trận, Chelsea đã thua tới 3 trận. Đặc biệt trong đó có 2 trận thua đậm liên tiếp trước Watford và Bournemouth tại Ngoại hạng Anh, khiến cho Chelsea đã tụt xuống thứ 4 trên bảng xếp hạng. Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai trong sự sa sút này?

Chelsea đang có những dấu hiệu sa sút không phanh, trong 5 trận gần đây nhất trên các mặt trận, Chelsea đã thua tới 3 trận. Đặc biệt trong đó có 2 trận thua đậm liên tiếp trước Watford và Bournemouth tại Ngoại hạng Anh, khiến cho Chelsea đã tụt xuống thứ 4 trên bảng xếp hạng. Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai trong sự sa sút này?
 
Liệu có phải lỗi của ông chủ Roman Abramovich, khi mà có nhiều ý kiến cho rằng Chelsea đã không bổ sung đủ lực lượng, từ đó tạo nên việc thiếu hụt lực lượng trong những giai đoạn quan trọng, là nguyên nhân chính dẫn đến sự hụt hơi của câu lạc bộ Chelsea. Nhưng điều này phải xem xét lại. Trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2017, tổng cộng Chelsea đã chi ra hơn 220 triệu euro, đưa về 6 cái tên mới, trong đó có những cái tên thường xuyên ra sân trong đội hình chính như: Alvaro Morata, Davide Zappacosta, Tiemoue Bakayoko… Ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2018 vừa qua, Chelsea cũng đã chi gần 60 triệu euro để đưa về 3 cái tên: Olivier Giroud, Emerson Palmieri, Ross Barkley. Điều đó có nghĩa Chelsea chi vào thị trường chuyển nhượng chỉ thua mỗi đội đang xếp đầu bảng xếp hạng là Manchester City. Trong hoàn cảnh Chelsea đang chuẩn bị xây sân vận động mới thì có thể đòi hỏi gì hơn đối với Roman Abramovich?
 
Vậy liệu có phải lỗi của cầu thủ, khi cũng có ý kiến cho rằng một số cầu thủ Chelsea thi đấu chưa được tốt, dẫn đến Chelsea thi đấu ngày một hụt hơi. Trong đó, tâm điểm của sự chỉ trích dồn về phía Tiemoue Bakayoko, khi mà cầu thủ này gần đây thi đấu không được tốt, đặc biệt là chiếc thẻ đỏ được xem là nguyên nhân chính dẫn đến trận thảm bại của Chelsea trước Watford. Nhưng liệu có thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho Bakayoko hay không? Chưa nói đến việc bắt một cầu thủ gánh trách nhiệm cho cả một đội bóng thi đấu sa sút là hợp lý hay chưa, thì phải nhìn nhận một thực tế, đây chỉ mới là mùa giải đầu tiên Bakayoko thi đấu cho Chelsea, thi đấu tại Ngoại hạng Anh. So với Ligue 1 (giải vô địch bóng đá Pháp) thì Ngoại hạng Anh khắc nghiệt hơn rất nhiều, và một cầu thủ lần đầu tiên thi đấu tại Ngoại hạng Anh cần phải có thời gian để hòa nhập và thích nghi; hoặc Alvaro Morata ngoài việc hòa nhập còn phải vật lộn với chấn thương; hoặc những  Gary Cahill, Cesar Azpilicueta, Victor Moses… vẫn phải cày bừa liên tục dù cho vẫn có những sự thay thế. Đúng là cầu thủ vẫn phải chịu trách nhiệm nhất định cho kết quả của đội bóng, nhưng chắc chắn không phải là nguyên nhân chính trong trường hợp này.
 
 
Antonio Conte sẽ phải chịu trách nhiệm chính đối với phong độ sa sút của câu lạc bộ Chelsea giai đoạn hiện tại.
Antonio Conte sẽ phải chịu trách nhiệm chính đối với phong độ sa sút của câu lạc bộ Chelsea giai đoạn hiện tại.
 
Xét cho cùng, người phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho phong độ sa sút của câu lạc bộ Chelsea chính là huấn luyện viên Antonio Conte. Điều đó được nhìn nhận qua 3 nguyên nhân chính, mà đầu tiên phải kể đến, đó chính là sơ đồ chiến thuật ưa thích của Antonio Conte. Nói đến Antonio Conte, người ta có thể nói ngay đến sơ đồ chiến thuật mà vị huấn luyện viên này sử dụng, đó chính là sơ đồ 3-5-2. Conte đã thành danh với sơ đồ chiến thuật này tại Juventus và đội tuyển Italia, nhưng điều đó không có nghĩa đây là một sơ đồ không có khả năng phá giải, đặc biệt ở một giải đấu có nhiều huấn luyện viên giỏi như Ngoại hạng Anh. Sau mùa giải 2017-2018 Antonio Conte đã tạo được bất ngờ với sơ đồ 3-5-2, giúp Chelsea lên ngôi vô địch, thì sang mùa giải 2017-2018, sơ đồ đó đã bị khắc chế khá nhiều. Điều đáng nói là Antonio Conte có vẻ như đã thiếu sự linh động, vẫn cương quyết bám lấy sơ đồ này, dù cho đã bị nghiên cứu và phát hiện rất nhanh những sơ hở lộ ra.
 
Nguyên nhân thứ 2 phải kể tới, đó chính là cách xử lý quá “cứng” đối với những công thần của câu lạc bộ. Với tính cách cứng rắn và quyết liệt, Antonio Conte muốn nhanh chóng nắm lấy quyền chỉ huy câu lạc bộ, và tất nhiên sẽ phải xuống tay với những công thần và những cầu thủ có cá tính mạnh để tạo lập uy tín. Chính vì vậy Conte đã nhanh chóng đưa Bakayoko về và đẩy Nemanja Matic đi; cương quyết không chấp nhận một Diego Costa đang có phong độ cao để đưa về Alvaro Morata; cương quyết không sử dụng David Luiz bởi cá tính có phần bốc đồng của cầu thủ này… Tạo lập uy quyền là không xấu, nhưng vấn đề là Conte đã quá nôn nóng và không có phương án dự phòng khi cần thiết.
 
Không việc gì Conte phải quá gấp trong việc đưa Bakayoko về lập tức cho đá chính, lấy suất của Matic khiến cho cầu thủ này bất mãn quyết định rời khỏi Chelsea. Conte hoàn toàn có thể sử dụng giải pháp an toàn hơn là cho Bakayoko dự bị làm quen trước, chỉ thay thế khi nào Matic không thể đảm bảo thể lực. Hoặc Conte đã quá phiên lưu khi đẩy đi một Diego Costa khá toàn diện, lại đang có phong độ tốt để đưa về một tiền đạo trẻ chưa được kiểm chứng nhiều như Alvaro Morata, đặc biệt khi cầu thủ này chỉ mới nổi trội ở khả năng chơi đầu. Và rõ ràng việc sử dụng David Luiz sau một thời gian dài bị “đày” ở băng ghế dự bị là không thể đòi hỏi một sự phục vụ nhiệt tình và phong độ cao được. Rất rõ ràng, Antonio Conte đã sai lầm trong cách sử dụng nhân sự.
 
Và điều cuối cùng, có thể là nhỏ nhưng nó sẽ góp phần thúc đẩy Antonio Conte suy sụp nhanh hơn, đó chính là huấn luyện viên này ứng xử quá mức cảm tính. Antonio Conte chính là hình mẫu của một thời làm việc hoàn toàn theo cảm xúc cá nhân, ông có thể ăn mừng như điên dại mặc dù đội nhà trước đó đã dẫn 2,3 bàn; ông sẵn sàng lao vào bất cứ sự tranh chấp nào, những cuộc khẩu chiến nào một khi cảm thấy khó chịu; thậm chí ông cũng sẵn sàng bật lại cả ông chủ Roman Abramovich khi không được đáp ứng như ý. Nhưng rõ ràng vị huấn luyện viên này đã quên, đây là Ngoại hạng Anh chứ không phải Serie A hay đội tuyển Italia; và đây là Chelsea, đội bóng của Abramovich, đội bóng chưa bao giờ xem huấn luyện viên là quyền lực lớn nhất. Bởi vậy, nếu Chelsea vẫn tiếp tục chiến thắng thì không sao, nhưng một khi Chelsea gặp trắc trở, chính cái tính cách ấy sẽ quay lại làm hại Conte.
 
Dù sao đi nữa, Chelsea vẫn đang xếp thứ 4 trên bảng xếp hạng, hoàn toàn có khả năng vượt lện trở lại khi chỉ thua đội xếp thứ 3 là Liverpool đúng 1 điểm. Ngoài ra, Antonio Conte vẫn còn đấu trường Champions League để lấy lại uy tín. Nếu không kịp thời có những hành động khắc phục mang tính thực tế, thì chiếc ghế huấn luyện viên của Antonio Conte sẽ lung lay hơn bao giờ hết, thậm chí rất có thể khó giữ vững cho đến hết mùa.
Cao Duy