08:06, 09/06/2011

Bài ca của tình yêu quê hương đất nước

Trong khuôn khổ những hoạt động của Festival Biển 2011 “Nha Trang - biển hẹn”, trong lúc toàn tỉnh vừa tổ chức hoạt động hưởng ứng ngày Đại dương Thế giới (8-6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2011 (từ 1 đến 8-6), sự ra đời của tập thơ, nhạc Bài ca biển đảo là sự hưởng ứng và phối hợp thật đẹp và có ý nghĩa lớn.

 
Trong khuôn khổ những hoạt động của Festival Biển 2011 “Nha Trang - biển hẹn”, trong lúc toàn tỉnh vừa tổ chức hoạt động hưởng ứng ngày Đại dương Thế giới (8-6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2011 (từ 1 đến 8-6), sự ra đời của tập thơ, nhạc Bài ca biển đảo là sự hưởng ứng và phối hợp thật đẹp và có ý nghĩa lớn.

Tập sách gồm 2 phần: thơ (136 bài) và nhạc (7 bài) của 107 tác giả thơ và 7 tác giả ca khúc. Phần lớn các tác phẩm đã được người đọc, người nghe đánh giá tốt. Riêng về phần thơ, các tác giả có tác phẩm viết về biển đảo từ trước đến nay đạt chất lượng cao được chúng tôi tuyển chọn trong quá trình tiếp xúc, thu thập tài liệu. Chúng ta tự hào vì có tác phẩm viết về biển đảo của Vua Trần Anh Tông (thế kỷ XIII), Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) và Nguyễn Trãi (thế kỷ XVI) - anh hùng dân tộc, nhà chính trị, quân sự và văn hóa kiệt xuất của đất nước ta. Đặc biệt, tập thơ nhạc có bài thơ ngắn của Bác Hồ tặng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang năm 1962 mang tính thời sự sâu sắc trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Tiếp theo là đội ngũ hùng hậu, mạnh mẽ và tài hoa của các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ, là niềm tự hào của dân tộc ta: Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Yến Lan, Nguyễn Xuân Sanh, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa… Đặc biệt, nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ của cách mạng, của kháng chiến và cả cuộc sống mới (bài Hát trên giàn khoan dầu) cùng với những nhà lãnh đạo mang tâm hồn nghệ sĩ (Sóng Hồng, Xuân Thủy) đã có những bài thơ về Nha Trang, về biển, đảo Khánh Hòa ngay từ khi miền Nam mới được giải phóng (1975).

Một mảng tác phẩm khác, theo chúng tôi, cũng rất quan trọng là tác phẩm thơ của người trong cuộc, ngày đêm vững tay súng bảo vệ biển đảo quê hương hoặc đang hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hóa ở vùng biển đảo những năm gần đây. Đó là thơ viết về lòng tự hào dân tộc, niềm vui và cả nỗi đau bằng máu và nước mắt. Chúng ta không quên Hoàng Sa là một huyện của Quảng Nam - Đà Nẵng và Trường Sa là một huyện của Khánh Hòa. Chúng tôi đã đọc hàng trăm bài thơ đăng trên báo hoặc gửi thẳng Ban tuyển chọn, chắt lọc để tìm những bài thơ hay.

Đương nhiên, không thể đòi hỏi những người sáng tác “địa phương” đều là những nhà thơ xuất sắc. Điều cảm nhận rõ nhất là tình cảm rất sâu đậm, rất thật… trong các tác phẩm. Tôi chọn bài thơ Gởi Trường Sa của một tác giả nữ có lẽ còn trẻ vì tôi chưa từng đọc một tập thơ nào của chị:

Tháng giêng mình chia tay
Anh ra nơi biển đảo
Thương nhớ em đong đầy
Theo từng con sóng vỗ
Ba năm trong tình yêu
Chỉ là lời vụng dại
Hai năm mình xa nhau
Bao dòng thư nồng cháy.
Anh làm người chiến sĩ
Trường Sa ngàn dặm xa
Em chăm vườn cây trái
Chờ anh ngày trở về.
Xin gởi theo mây trắng
Nụ hôn của đất liền
Xin gởi theo gió biển
Tình quê và tình em
(Nguyễn Thị Hàn)

Và anh lính xe tăng Hữu Thỉnh ngày trước đã viết những câu thơ lãng mạn bất ngờ về người lính đảo trong gian khổ hiểm nguy giữa biển khơi lại có một tâm hồn rất đẹp:

... Ước gì gởi cát cho em nhỉ
Để cát mang về những dấu chân
Những đêm xô cát đi tuần đảo
Gió cát lùa ngang trắng áo quần.

Ở đây Tết đến đào không có
Hoa đảo là hoa những cánh chim
Chim ơi, bay nữa, bay cao nữa
Làm chiếc cầu mây nối đất liền.

Khi cửa sông xếp lại lá buồm
Chiều về ngủ dưới khoang thuyền rậm rích
Em có thấy đảo gần hơn một ít
Ở nơi này anh vừa thả trăng lên.
(Gởi từ đảo nhỏ)

Bài ca biển đảo đã trở thành bài ca của lòng yêu nước, yêu nhân dân. Đó cũng là bài ca của lòng chung thủy và niềm tin ở ngày mai. Tôi rất thích thú với hình ảnh anh bộ đội đưa một đôi chim sẻ bắt được ở nhà mình ra nuôi để làm quen với đảo. Đôi chim sẻ ấy đã sinh con, đẻ cháu, sống chan hòa, ríu rít với người thân trong gia đình. Chúng ta tự hào về một hành động như vậy.

GIANG NAM