01:06, 10/06/2011

Hồn Tây Nguyên đến với Festival Biển

Không ồn ào, hoành tráng, triển lãm điêu khắc “Hương rừng Tây Nguyên” của nghệ sĩ K.Minh Tuấn (tên thật là Trần Đức Tuấn) đến từ TP. Đà Lạt lần đầu tiên ra mắt công chúng Nha Trang.

Không ồn ào, hoành tráng, triển lãm điêu khắc “Hương rừng Tây Nguyên” của nghệ sĩ K.Minh Tuấn (tên thật là Trần Đức Tuấn) đến từ TP. Đà Lạt lần đầu tiên ra mắt công chúng Nha Trang. Bước chân vào không gian vườn tượng, du khách sẽ “thấm” cái hồn của con người Tây Nguyên, cái đẹp của cảnh sắc Tây Nguyên, những triết lý nhân sinh của người và đất nơi đây.

Festival Biển 2011 mang nhiều nét mới lạ, hấp dẫn công chúng trong và ngoài nước không chỉ bởi những sự kiện nghệ thuật biểu diễn đương đại, mà còn là dịp để giới thiệu đến mọi người những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa; đồng thời là dịp để thể hiện sự giao lưu văn hóa của tỉnh nhà với những địa phương, quốc gia khác. Triển lãm văn hóa Chăm, phục dựng lễ hội cầu ngư, giao lưu văn hóa Pháp, trưng bày gốm Lư Cấm… là những hoạt động thể hiện cho ý nghĩa đó. Vườn tượng “Hương rừng Tây Nguyên” được trưng bày tại khu vực công viên bờ biển (gần số 16 Trần Phú) chính là điểm nhấn đặc trưng những giá trị văn hóa của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ trong những ngày diễn ra Festival Biển.

 Công chúng xem triển lãm “Hương rừng Tây Nguyên”.
Với hơn 60 bức tượng gỗ được thực hiện từ năm 1995 đến nay, theo một phong cách nhất quán là mang hơi hướng tượng dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, vườn tượng của nghệ sĩ K.Minh Tuấn thu hút người xem bởi sự mộc mạc trong kỹ thuật thể hiện, nét ngây thơ, hồn nhiên trong quan niệm về cuộc đời, về con người. Dưới bàn tay của nghệ sĩ K.Minh Tuấn, những khối gỗ xá xị, pơ mu, huỳnh đàn, mít… được chặt, đẽo, đục một cách thô sơ như cách làm của chính người dân Tây Nguyên để tạo nên những tác phẩm ẩn chứa thông điệp độc đáo về giá trị văn hóa Tây Nguyên. Các tác phẩm như: Xuân Đam Rông, Cầu mưa, Cuối ngày, Không gian Tây Nguyên, Thổi tai, Giọt sương… không chỉ phản ánh được hiện thực cuộc sống của người dân Tây Nguyên, mà qua đó còn là những quan niệm về vòng đời con người, về những ước vọng trong cuộc sống. Đi trong vườn tượng của K.Minh Tuấn, có cảm giác bước chân cứ dẫn lối ta đi qua hết bức tượng này đến bức tượng khác trong cái nhìn về những hình khối góc cạnh xù xì, kích thước đầy ngẫu hứng. Vườn tượng như một bức ảnh ảo để ta nhìn thấu vào trong nỗi khát khao níu giữ những gì còn lại của một nền văn hóa Tây Nguyên vốn có bản sắc mạnh mẽ đang dần mất đi trong cuộc sống hôm nay. “Tượng của tôi sử dụng chất liệu gỗ Tây Nguyên, bám sát phong cách tượng dân gian Tây Nguyên thô mộc và đầy ngẫu hứng. Cái khác, có chăng đến từ giá trị biểu đạt, nếu đồng bào Tây Nguyên tạc tượng để thể hiện cho những phong tục tập quán thì tôi tạc tượng để nói lên sức sống, bản sắc văn hóa của đồng bào” - nghệ sĩ K.Minh Tuấn chia sẻ.

Hơn 15 năm theo nghiệp điêu khắc tượng gỗ đã biến chàng trai gốc Hà thành Trần Đức Tuấn hào hoa ngày nào thành một K.Minh Tuấn bụi bặm, phong trần như người Tây Nguyên. Cái được, cái mất của nghiệp đời nghệ sĩ với K.Minh Tuấn không có gì phải tiếc nuối. Một vài giải thưởng khu vực, quốc gia đối với anh cũng chỉ là nguồn động viên. Điều trăn trở của anh không gì khác ngoài hiện thực đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang dần mai một. Tạc tượng về những bà mẹ, những người phụ nữ, những đứa trẻ Tây Nguyên với K.Minh Tuấn như một sự ám ảnh. Một giọt sương tượng trưng cho sự bắt đầu của một đời người; những cánh tay cầu mưa cũng là mong mỏi cho niềm khát khao hạnh phúc; một dáng ngồi còm cõi của bà mẹ già là nỗi buồn cho sự phôi phai của thời gian… Lối nghĩ của người Tây Nguyên là thế - đơn giản nhưng đầy tính hình tượng. K.Minh Tuấn đã nắm bắt những điều đó để gửi tới mọi người những thông điệp về nền văn hóa Tây Nguyên.

Lần đầu tiên mang “gia tài” của mình đi triển lãm ngoài địa bàn TP. Đà Lạt, K.Minh Tuấn chọn Festival Biển Nha Trang, bởi đơn giản anh nghĩ: “Nha Trang - Đà Lạt, biển và rừng, văn hóa biển với văn hóa núi rừng có yếu tố khác biệt. Đây chính là điều khiến tôi quyết tâm thực hiện triển lãm này. Bởi lẽ, công chúng luôn thích thú với những điều mới lạ. Đó là yếu tố để thông điệp của tôi được thành công”. Quả thực, ngay trong buổi chiều 8-6, khi K.Minh Tuấn vừa vác tượng từ xe tải xuống trưng bày đã có rất nhiều người dân và du khách đến xem. Như vậy, trong Festival Biển 2011, công chúng lại có thêm một địa chỉ văn hóa để thưởng lãm.

NHÂN TÂM